(Chinhphu.vn) – Phân biệt đối xử, kỳ thị là một trong những tác nhân làm gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm LGBT (cộng đồng song tính, đồng tính và chuyển giới).
Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), 72% ca nhiễm HIV mới được ghi nhận tại các tỉnh phía Nam, trong đó có ghi nhận gia tăng tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm tới hơn 36%). Tỉ lệ phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ. Hình thái lây nhiễm HIV đã chuyển dịch từ tiêm chích ma tuý, mẹ lây truyền sang con, hoạt động mại dâm sang lây nhiễm qua con đường tình dục ở nam quan hệ đồng giới (MSM), chiếm 70-90%. Đường lây là quan hệ tình dục không an toàn và tỉ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm và trở thành đường lây chính. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, MSM đang là một trong các nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
Có nhiều lý do khác nhau bao gồm cả sự kỳ thị và phân biệt đối xử làm cho nhóm người chuyển giới khó tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV và tư vấn xét nghiệm HIV. Hậu quả là người chuyển giới bị nhiễm HIV và thậm chí họ không biết mình bị nhiễm HIV, do vậy không được điều trị sớm cũng như dự phòng lây nhiễm HIV cho cộng đồng.
Theo Trung tâm Ứng dụng sức khỏe nam giới và cộng đồng, người chuyển giới là nhóm có nguy cơ cao về lây nhiễm HIV nhưng lại gặp khó trong tư vấn, xét nghiệm, điều trị.
Theo ThS.BS Đỗ Hữu Thủy, Phó trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục phòng chống AIDS, Bộ Y tế, tỉ lệ lây nhiễm HIV ở cộng đồng người chuyển giới trên thế giới khoảng 19%, cao gấp 40 lần ở cộng đồng dân cư.
Ở Việt Nam, trong một nghiên cứu mới đây tại TPHCM với dữ liệu từ 400 người chuyển giới thì tỉ lệ khoảng 16,5% là nhóm có tỉ lệ lây nhiễm HIV cao nhất, trong khi đó nhóm MSM là khoảng 13%.
Nguyên nhân khiến cho nhóm chuyển giới có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, trước hết là các kiến thức và sự hiểu biết về HIV/AIDS còn hạn chế. Việc ít tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng chống HIV/AIDS là một lỗ hổng cần phải lấp đầy.
Cũng theo ThS.BS Đỗ Hữu Thủy, với nhóm người chuyển giới thì hành vi chính là việc quan hệ tình dục không an toàn. Ngoài việc kiến thức về HIV/AIDS còn thấp, không có kỹ năng còn lý do khác đó chính là sự phân biệt đối xử khiến cho nhóm người chuyển giới ngại tiếp xúc với các dịch vụ dự phòng HIV.
Bên cạnh đó là áp lực về kinh tế vì tỉ lệ thất nghiệp, không có việc làm ở nhóm người chuyển giới lớn, trong khi đó các chi phí về sử dụng hormone, phẫu thuật chuyển giới là rất cao.
Trong quan hệ tình dục thì nhóm người chuyển giới thường ở thế yếu nên việc sử dụng các biện pháp an toàn còn hạn chế. Ngoài ra, nhóm chuyển giới mà mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, sử dụng ma túy càng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.
Theo Trung tâm vì sự tiến bộ của Mỹ, sự phân biệt đối xử là một trong những yếu tố ngăn cản người chuyển giới tìm đến sự chăm sóc cần thiết, từ đó dẫn đến hậu quả tiêu cực về sức khỏe và các lĩnh vực khác.
Một nghiên cứu của Mỹ cũng cho thấy, 68% người chuyển giới da màu cho biết đã từng bị ngược đãi, hậu quả là người chuyển giới sẽ từ bỏ các cuộc thăm khám định kỳ, thậm chí là các cấp cứu cần thiết để cứu mạng sống của họ. Ngoài ra, việc bị phân biệt đối xử, quấy rối cũng góp phần vào tỉ lệ căng thẳng cao khiến người chuyển giới có sức khỏe kém hơn.
Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng những người chuyển giới, các chuyên gia cho rằng, xã hội cần có cái nhìn cởi mở hơn, chấp nhận sự khác biệt là cơ hội tốt cho những người chuyển giới cảm thấy thoải mái, tự tin khi thể hiện bản thân cũng như tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Hiện nay, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã phối hợp với các phòng khám cung cấp dịch vụ liên quan đến HIV, xây dựng các mô hình cơ sở y tế thân thiện. Bên cạnh đó, cộng đồng chuyển giới cũng sẽ giúp kết nối các khách hàng đến và sử dụng các dịch vụ y tế. Bước đầu, mô hình này đã có những kết quả tích cực, giúp các nhân viên y tế hiểu và cung cấp các dịch vụ y tế cho người chuyển giới.
Theo Tiếng chuông Chính phủ