(Chinhphu.vn) – Sổ tay kiến thức về HIV kháng thuốc được ra mắt nhằm góp phần ngăn chặn sự xuất hiện và lây truyền HIV kháng thuốc nhằm đạt được mục tiêu 95-95-95, chấm dứt bệnh dịch AIDS tại Việt Nam.
Sổ tay kiến thức về HIV kháng thuốc được biên soạn dưới sự chủ trì của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), dự án SATREPS và các chuyên gia HIV trong nước và quốc tế, nhằm giúp các bác sĩ lâm sàng quản lý tốt hơn người nhiễm HIV điều trị ARV nhưng vẫn còn phát hiện HIV trong máu.
Sổ tay kiến thức cũng giúp các chuyên gia y tế tại Việt Nam có được những kiến thức và kỹ năng thực hành lâm sàng cần thiết, góp phần ngăn chặn sự xuất hiện và lây truyền HIV kháng thuốc nhằm đạt được mục tiêu 95-95-95 và chấm dứt bệnh dịch AIDS tại Việt Nam.
Kể từ ca nhiễm HIV được phát hiện năm 1990, Việt Nam đã trải qua trên 30 năm phòng, chống căn bệnh thế kỷ này và đạt được các tiến bộ đáng kể trong việc kiểm soát dịch HIV và mở rộng khả năng tiếp cận liệu pháp điều trị thuốc kháng HIV (ARV).
Nhờ tích cực triển khai các can thiệp, phòng, chống HIV/AIDS, số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện đạt đỉnh điểm vào đầu những năm 2000 – 2007 và hiện tiếp tục giảm qua các năm.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 12.800 trường hợp phát hiện mới nhiễm HIV/AIDS dương tính (đến tháng 12.2023), 1.507 trường hợp tử vong. Số người nhiễm HIV/AIDS đang còn sống là 233.681 trường hợp. Tổng số người nhiễm HIV/AIDS tử vong ghi nhận tại Việt Nam trong các năm qua là 114.079.
Ước tính đến nay, toàn quốc có trên 249.000 người nhiễm HIV. Đáng lo ngại là người nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa khi lứa tuổi 16-29 tuổi chiếm gần 50% trong số các ca nhiễm mới được ghi nhận từ năm 2020 đến nay. Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới vẫn đang là nhóm lây nhiễm mạnh nhất, chiếm tới 49%.
Trong số 10.219 ca mắc mới HIV, có hơn 60% được phát hiện tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ. Trong đó, các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang có số người nhiễm HIV tăng cao trong thời gian gần đây.
Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao như quan hệ tình dục đồng giới, nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm. HIV/AIDS hiện vẫn là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư còn thấp, đã và đang là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của người nhiễm HIV và các nhóm đích nguy cơ cao.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có nhiều công cụ có hiệu quả hơn để can thiệp cũng như kiểm soát đại dịch này, tiến tới chấm dứt AIDS. Đến thời điểm này, xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện tại hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 230 phòng xét nghiệm khẳng định. Chương trình điều trị methadone đã được triển khai tại 382 cơ sở điều trị của 63 tỉnh/thành phố, điều trị cho 50.851 bệnh nhân, có 2.291 bệnh nhân được cấp phát thuốc methadone mang về nhà.
Cả nước hiện có 534 cơ sở điều trị HIV/AIDS, trong đó, 506 cơ sở đang điều trị thuốc ARV bảo hiểm y tế cho 177.009 bệnh nhân, phấn đấu tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 95% trở lên. Ngoài ra, 219 cơ sở điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại 29 tỉnh, thành phố đã cung cấp dịch vụ cho hơn 61.000 khách hàng từ đầu năm đến nay.
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức mới trong quá trình chuyển đổi hệ thống tài chính trong cung cấp các dịch vụ điều trị HIV. Từ năm 2019, Bảo hiểm y tế bắt đầu chi trả thuốc ARV điều trị nhiễm HIV. Năm 2020, 2021 Việt Nam đối mặt với dịch bệnh COVID-19. Việc chuyển giao sử dụng dịch vụ điều trị HIV sang BHYT chi trả và tác động của dịch COVID-19 có thể làm gia tăng tình trạng bỏ trị, không tuân thủ điều trị, tăng nguy cơ xuất hiện và lây truyền chủng HIV kháng thuốc.
Thêm vào, việc mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) từ năm 2019 cũng có thể làm gia tăng tình trạng HIV kháng thuốc.
Theo Tiếng chuông Chính phủ