SKĐS – Công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Khánh Hòa được Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa triển khai mạnh mẽ ngay từ đầu năm, đặc biệt, việc điều trị dự phòng luôn được chú trọng.
Tạo sự an tâm cho người bệnh
Bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết, chúng tôi luôn cố gắng sát cánh cùng người nhiễm HIV để tư vấn cho họ phương pháp điều trị đúng cách. Đồng thời, tư vấn cho họ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bạn bè, người thân. Từ đó giúp họ có cuộc sống bình thường, không còn mặc cảm hay lo lắng.
Cũng theo bác sĩ Toàn, đến đầu năm 2024 này, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh Khánh Hòa đang được triển khai nhịp nhàng, hiệu quả, người nhiễm HIV đã có chuyển biến nhận thức rõ rệt, tuân thủ tốt việc điều trị.
Có được thành quả này, ngoài sự nỗ lực, tận tụy của các nhân viên y tế dự phòng, còn có sự quan tâm chu đáo của các cấp chính quyền địa phương. Bởi vậy nên, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa đều được cấp thuốc điều trị HIV kịp thời, đúng phác đồ.
Theo thống Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, tổng số người nhiễm HIV hiện còn sống và được quản lý tốt tại các huyện, thành phố, thị xã của Khánh Hòa là hơn 1.500 người. Trong 2 tháng đầu năm 2024, thông qua xét nghiệm, phát hiện thêm hơn 20 ca nhiễm HIV mới. Đồng thời, trong 2 tháng đầu năm nay cũng có 4 bệnh nhân HIV/AIDS tử vong.
Việc lây nhiễm HIV hiện nay thông qua một số con đường chính như: Qua đường máu, tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn, từ mẹ sang con…
Bên cạnh các con đường lây nhiễm trên, người chăm sóc bệnh nhân AIDS có nguy cơ bị lây nhiễm HIV qua các vết hở rỉ nước khi tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của người bệnh hoặc bị kim tiêm đâm phải tay, dao kéo cứa phải tay…do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Vậy nên, để phòng chống lây truyền HIV qua đường máu, phải thực hiện các biện pháp sau: Bảo đảm 100% các chai máu được sàng lọc HIV trước khi truyền, cũng như kiểm tra tình trạng nhiễm HIV của những người cho máu trước khi lấy máu. Khi thực hiện tiêm chích, châm cứu, các thủ thuật qua da, thực hiện thụ tinh nhân tạo…phải bảo đảm các dụng cụ được tiệt khuẩn. Tuyệt đối phòng ngừa hiện tượng lây chéo xảy ra trong chăm sóc dịch vụ y tế.
Đặc biệt, tất cả những nhóm có nguy cơ cao hãy tiếp cận và sử dụng dịch vụ điều trị dự phòng. Nếu không may đã nhiễm HIV hãy tuân thủ điều trị tốt để đạt được ngưỡng K=K (không phát hiện, không lây nhiễm).
K=K (không phát hiện, không lây nhiễm) nghĩa là khi một người nhiễm HIV được điều trị tốt bằng thuốc ARV mà đạt đến mức ức chế vi rút, đưa tải lượng vi rút xuống dưới 200 bản sao/ml máu (hay còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện) thì sẽ sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường qua hệ tình dục.
Thực tế cũng đã chứng minh, khi điều trị đạt được đến ngưỡng K=K thì một người bị nhiễm HIV khó có thể làm lây bệnh cho bạn tình.
Việc truyền thông K=K cho đối tượng nguy cơ cao và bệnh nhân HIV được làm thường xuyên ở Khánh Hòa. Người bệnh được trang bị đầy đủ kiến thức về vấn đề này. Thông thường một người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc ARV, tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ thì sau 6 tháng sẽ đạt được tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu. Người nhiễm HIV tiếp tục tuân thủ điều trị ARV tốt sẽ duy duy trì được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế và khi đó không làm lây truyền HIV cho bạn tình của họ. Hiện nay việc xét nghiệm HIV cũng như tiến hành tư vấn, điều trị thuốc ARV được triển khai mạnh ở Khánh Hòa.
Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, bệnh nhân HIV điều trị ARV là phải liên tục, tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc, không được điều trị theo ý thích của mình. Việc sử dụng thuốc phải đúng liều, đúng giờ, đúng đường và đúng cách. Đúng liều là bác sĩ chỉ định thế nào phải dùng đủ thế đó, không được bớt liều hoặc uống quá liều, gộp liều.
Trong nhiều năm qua, việc tăng cường bao phủ thuốc ARV đối với người nhiễm HIV được các nhân viên y tế dự phòng ở Khánh Hòa chú trọng. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, dù khó khăn đến đâu vẫn cố gắng chuyển thuốc, cấp thuốc đầy đủ, kịp thời đến người bệnh.
Một bệnh nhân nhiễm HIV ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) chia sẻ, tuân thủ phác đồ điều trị dự phòng theo hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa giúp cho người bệnh giữ được thể trạng ổn định, có thể lao động, học tập bình thường. Việc phát-nhận thuốc được triển khai qua nhiều kênh như Trung tâm Y tế, Trạm Y tế nên rất thuận lợi. Bên cạnh đó, người nhiễm HIV còn được các đồng đẳng viên trang bị cho đầy đủ kiến thức về các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho người thân, bạn bè. Việc kỳ thì của cộng đồng đối với những người có ‘H’ ở Khánh Hòa đến nay cũng hầu như đã được xóa bỏ.
Theo Sức khỏe & Đời sống