(Dân trí) – Thống kê của ngành chức năng, tính đến tháng 3, Nghệ An ghi nhận gần 11.000 người nhiễm HIV. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các bạn trẻ còn hạn chế về kiến thức phòng, chống HIV.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An, tính từ năm 1996 đến nay, tỉnh này ghi nhận 10.955 người nhiễm HIV.
“Trường hợp nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1996 là một người ngoại tỉnh. Đến năm 1997, Nghệ An mới ghi nhận thêm 1 người trong tỉnh mắc “căn bệnh thế kỷ”. Đến hết tháng 2 có 10.955 người nhiễm HIV, trong đó có 6.588 trường hợp chuyển sang AIDS. Trong 10.955 người, đã có 4.535 người tử vong”, cán bộ CDC Nghệ An cho biết.
Cũng theo cán bộ CDC Nghệ An, tỷ lệ người nhiễm HIV ở lứa tuổi 20-29 là 5.292 trường hợp; lứa tuổi 30-39 là 3.689 trường hợp. Trong đó, huyện biên giới Quế Phong có số người nhiễm HIV cao nhất với 2.189 người, kế đến là thành phố Vinh có 1.960 người, tiếp theo là huyện Tương Dương có 1.159 người và huyện Quỳ Châu có hơn 1.000 người mắc căn bệnh này.
Về nguyên nhân, theo cán bộ CDC Nghệ An do nhiều người còn hạn chế về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS và quan hệ tình dục không an toàn; việc sử dụng ma túy tổng hợp cũng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV ở nhóm người trẻ.
Ngay cả với các trường hợp có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV cũng chỉ đạt 39,8% đối với nữ và 48,7% đối với nam.
Qua số liệu trên cho thấy, nhóm tuổi thanh, thiếu niên có kiến thức, thái độ rất hạn chế về HIV/AIDS…
Trước tình hình dịch HIV/AIDS gia tăng trong giới trẻ, CDC Nghệ An đã tăng cường các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS cho bạn trẻ trong các khu công nghiệp, trường dạy nghề, đại học, cao đẳng…, trong đó chú trọng tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho thanh, thiếu niên về HIV/AIDS và những bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Đồng thời, phối hợp với ngành giáo dục lồng ghép vào chương trình giáo dục giới tính cho thanh, thiếu niên, bảo đảm chuẩn bị đủ kiến thức về an toàn tình dục và phòng, chống HIV/AIDS; tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông cho đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng, nhân viên y tế thôn bản, giới thiệu và cập nhật tình hình nhiễm trong nhóm người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV.
“Thời gian tới chúng tôi tiếp tục chú trọng truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại các trường đại học, cao đẳng, THPT và các khu công nghiệp; huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, người đứng đầu, người có uy tín trong cộng đồng, tham gia công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS…”, cán bộ CDC Nghệ An chia sẻ.
Hiện nay, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS năm 2024.
UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường, nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm các nguồn lực và huy động sự tham gia của đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; ưu tiên bố trí ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
UBND tỉnh Nghệ An cũng giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện và tham mưu triển khai các nội dung thuộc thẩm quyền.
Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn, đảm bảo đạt các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch năm 2024 và hướng tới đạt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo chiến lược đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
Theo Dân Trí