Các cấp Công đoàn Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh truyền thông nhằm ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS, vốn đang có chiều hướng gia tăng trong nhóm đối tượng là công nhân lao động…
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến thời điểm hiện tại, toàn quốc có 233.681 trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống, trong đó 12.800 trường hợp nhiễm HIV trong năm 2023.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam phát hiện hơn 10 nghìn ca nhiễm mới HIV. Trong đó, chiếm 49% tổng số ca nhiễm là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên. Hơn 60% ca nhiễm tập trung ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TP HCM.
Hiện nay HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp. Số liệu giám sát cho thấy dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương. Đặc biệt, tình hình lây truyền HIV/AIDS tăng nhanh trong giới trẻ, tuổi từ 16 – 29, đặc biệt tại khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn.
Nhiều công nhân ở khu công nghiệp nhiễm HIV, thậm chí nhiều người đến giai đoạn AIDS mới biết. Dự báo tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS trong công nhân trẻ sẽ tiếp tục gia tăng nhanh nếu không có những giải pháp can thiệp toàn diện, kịp thời.
Như tại Cần Thơ, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, dịch HIV/AIDS trên địa bàn thành phố vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Ðặc biệt là trong nhóm công nhân lao động, tỷ lệ nhiễm HIV tăng dần qua các năm, từ 4,6% vào năm 2021 lên tới 14,2% vào năm 2023…
Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ thực tiễn tình hình đời sống, việc làm của công nhân, người lao động, xoay quanh các khu công nghiệp. Đặc biệt, tại khu lưu trú, nhà trọ, nơi có đông công nhân sinh sống, việc kiểm soát cám dỗ trong xã hội, vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, nạn ma túy và cả lây nhiễm HIV/AIDS luôn rất khó khăn.
Và thực tiễn cho thấy, để ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS trong công nhân lao động rất cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn cùng tổ chức Công đoàn, nhất là công tác truyền thông và cung cấp dịch vụ dự phòng là vấn đề rất quan trọng, cần thiết.
Cuối tháng 3 vừa qua, CDC Cần Thơ phối hợp với LĐLĐ TP Cần Thơ tổ chức buổi “truyền thông, nâng cao hiểu biết cho công nhân về HIV/AIDS” tại Công ty Ấn Độ Dương, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, với sự tham gia của 100 công nhân lao động. Tại đây, công nhân lao động đã được nghe các chuyên gia trình bày những thông tin liên quan đến dịch HIV/AIDS và trả lời những thắc mắc.
Anh Võ Hải Nam – Chủ tịch CĐCS Công ty Thủy sản Ấn Độ Dương, cho biết: Thông tin được cung cấp từ diễn giả qua các buổi truyền thông rất hữu ích. Các nội dung gần gũi với đời sống công nhân, giúp họ hiểu rõ hơn về HIV/AIDS để không chỉ phòng cho bản thân, mà còn cho cả gia đình và những người xung quanh.
“Mỗi ngày, phần lớn thời gian, công nhân lao động chúng tôi đều dành cho phân xưởng, nhà máy, nên những buổi tuyên truyền như thế này rất có ý nghĩa. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa các buổi tuyên truyền, giúp công nhân lao động được nâng cao kiến thức về HIV/AIDS. Từ đó, bảo vệ bản thân và gia đình được tốt hơn”, anh Nam chia sẻ.
Đồng chí Lê Thị Sương Mai – Chủ tịch LĐLĐ TP. Cần Thơ, cho biết: Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với CDC thành phố tổ chức 04 cuộc truyền thông, nâng cao hiểu biết về phòng, chống HIV/AIDS cho 400 công nhân lao động tại Công ty TNHH Bình Tiên Đồng Nai chi nhánh Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu thủy sản Phương Đông, Công ty CP Bê tông xi măng Tây Đô.
Tại các buổi tuyên truyền, các bác sĩ, chuyên gia tư vấn ngoài việc thông tin về tình hình dịch tễ trên địa bàn, đã cung cấp những kiến thức cơ bản, hữu ích về phòng chống HIV/AIDS; các dịch vụ xét nghiệm HIV và tự xét nghiệm; nguy cơ lây nhiễm khi quan hệ tình dục đồng giới nam. Quảng bá, giới thiệu các dịch vụ xét nghiệm, tư vấn xét nghiệm và các dịch vụ khác liên quan đến dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
Qua các buổi truyền thông đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ góp phần ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS trong công nhân lao động mà còn thể hiện vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trong đó hoạt động chăm lo sức khỏe của người lao động.
Hiện nay, Cần Thơ là một trong những địa phương thực hiện đa dạng các loại hình về chương trình phòng chống HIV/AIDS, trong đó chú trọng các hoạt động truyền thông can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, xét nghiệm lưu động, xét nghiệm tại các cơ sở y tế tư nhân và tại cộng đồng thông qua các tổ chức CBO bằng việc ứng dụng các kỹ thuật, sinh phẩm xét nghiệm mới nhằm xác định những người có hành vi nguy cơ cao để triển khai các biện pháp can thiệp phù hợp phòng lây nhiễm HIV.
Đồng chí Lê Thị Sương Mai – Chủ tịch LĐLĐ TP. Cần Thơ, cho biết thêm: Ngoài các cuộc truyền thông nói trên, thời gian tới, LĐLĐ TP sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Y tế triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIIDS cho công nhân trên địa bàn. Tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao kiến thức phòng, chống HIV/AIDS bằng nhiều hình thức, trong đó, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thông qua các kênh online để các bạn trẻ dễ tiếp cận như internet, trang website, zalo, facebook…; hướng tới xây dựng cộng đồng công nhân lao động không lây nhiễm HIV/AIDS…
Theo Lao Động Công Đoàn