SKĐS – Sự đau khổ chỉ là nhất thời. Mỗi lần vượt qua nó, anh Đồng Đức Thành cảm thấy hạnh phúc bởi vượt qua sự khổ đau sẽ đến bến bờ hạnh phúc và có thêm kinh nghiệm để đối diện với nghịch cảnh tiếp theo có thể xảy đến trong đời…
Quyết tâm đương đầu với căn bệnh thế kỷ
Đồng Đức Thành sinh năm 1976, là một nhà hoạt động xã hội trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, anh cũng là thành viên Mạng lưới Người sống với HIV Việt Nam (VNP+), đã công khai tình trạng có HIV của mình với báo chí, trên truyền hình và tham gia vào các diễn đàn để vận động chính sách về phòng, chống HIV/AIDS và truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.
Nhớ lại lần đầu tiên phát hiện bản thân nhiễm HIV tại Bệnh viện Bạch Mai, anh miêu tả cảm giác mọi thứ xung quanh như ‘đóng băng’, tối sầm ngay trước mắt. Kể từ đó, anh đối diện với hàng loạt khó khăn khi mất việc tại mỏ than, bị xa lánh, kỳ thị và phân biệt đối xử. Anh bị trầm cảm nặng, thậm chí có lúc có ý nghĩ tự tử…
“Tôi không thể quên đêm giao thừa năm ấy, cũng là ngày sinh nhật lần thứ 25 của mình. Không có người thân, bạn bè, tôi dùng chiếc bánh chưng làm bánh sinh nhật và cắm một ngọn nến lên trên. Trong căn nhà trống vắng, tôi nhắm mắt lại và ước được sống thêm 5 năm nữa và có một công việc giúp ích cho người khác. Như thế là quá đủ với tôi rồi. Tôi nghĩ mình cứng cỏi nhưng đến bây giờ tôi cũng không hiểu mình đã làm thế nào để vượt qua một đêm giao thừa tĩnh mịch u ám như vậy”, anh Thành kể.
Thấm cảnh tủi nhục, cùng một cơ thể rệu rã vì căn bệnh bắt đầu tấn công, anh Thành quyết tâm đứng dậy, tìm cơ hội sống cho mình. Anh làm đủ nghề để kiếm sống. Anh đã sáng tạo và làm ra dầu gội đầu từ bồ kết cho chị em phụ nữ. Thế nhưng, với tất cả mọi người, khi ấy HIV là điều gì đó vô cùng kinh khủng. Họ kỳ thị, truyền tai nhau rằng “dầu gội này của người nhiễm HIV” nên không ai mua.
Sau nhiều khó khăn, anh Thành được giới thiệu đến làm việc tại văn phòng dự án “Đương đầu với HIV tại nơi làm việc ở Quảng Ninh”. Tại đây, anh được gặp gỡ và kết nối với nhiều người thầy, người bạn tốt. Cuộc đời anh bước sang một chương mới khi được đưa sang Thái Lan điều trị. Không ngừng nỗ lực, anh tự mình học tiếng Anh và nhiều kỹ năng mới để nâng cao năng lực, kết nối giao lưu với bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, thêm một lần nữa anh phải đối mặt với khủng hoảng do tổ chức đóng cửa vì lý do khách quan. Anh tiếp tục hoạt động trong nhiều dự án khác nhau để tự chữa lành cho bản thân và giúp đỡ những người cùng cảnh. Từ một người có lối sống tiêu cực, phóng đãng và mải chơi với cú sốc tâm lý nặng, anh Thành đã quyết tâm đứng dậy, làm lại cuộc đời trong lúc đang gặp khó khăn về sức khỏe tinh thần. Nhờ có công việc cũng như sự hỗ trợ về y tế, anh dần dần hồi phục sức khỏe, cả về thể chất và tinh thần.
Trở thành người truyền lửa
Cho đến nay, anh Thành là người có nhiều năm công tác trong các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các dự án về truyền thông, vận động chính sách về Y tế và các vấn đề xã hội, giúp đỡ người sống chung với HIV và các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS với nhiều vai trò và vị trí khác nhau. Hiện nay, anh đang đảm nhiệm vai trò Điều phối trong Dự án giám sát do cộng đồng dẫn dắt.
Anh cũng là tác giả của hàng trăm bài báo viết về HIV và các vấn đề xã hội và hai lần đạt giải Báo chí. Anh viết Tự truyện “Đau cũng là sống” để truyền tải thông điệp vượt qua nghịch cảnh cho những ai đã và đang bế tắc trong đời.
Anh Thành chia sẻ: “Nếu không có khổ đau thì rất khó cảm nhận được hạnh phúc. Nghịch cảnh và khổ đau có thể đến vào thời điểm này nhưng không có nghĩa là suốt cuộc đời. Nếu bạn vượt qua được khổ đau sẽ là cả một bến bờ hạnh phúc và có thể sẽ có khả năng kháng thương để đối diện với những hoàn cảnh, thách thức mới. Điều này còn cao hơn cả chữa lành”.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống