(Chinhphu.vn) – Nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng, nhất là ở công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, thời gian qua ngành Y tế Cần Thơ đã triển khai các hoạt động liên quan nâng cao kiến thức, kỹ năng dự phòng lây nhiễm, các dịch vụ phòng chống HIV cho công nhân, người lao động trên địa bàn.
49% tổng số ca nhiễm là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến thời điểm hiện tại, toàn quốc có 233.681 trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống, trong đó 12.800 trường hợp nhiễm HIV trong năm 2023. Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam phát hiện hơn 10 nghìn ca nhiễm mới HIV. Trong đó, chiếm 49% tổng số ca nhiễm là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên. Hơn 60% ca nhiễm tập trung ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TPHCM.
Các số liệu từ thực tế cũng cho thấy, số ca nhiễm mới HIV đang có xu hướng trẻ hóa. Tỉ lệ nhiễm mới HIV trong nhóm tuổi từ 16-29 tăng nhanh, từ 4% năm 2012, đến 12,9% năm 2019 và 25,9% năm 2023. Phân tích đường lây trong nhóm tuổi này cho thấy, 88,5% lây qua đường tình dục, đối tượng là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 76,9% trong số những ca mới phát hiện trong độ tuổi này.
Phân tích trong số mới phát hiện nhiễm HIV là MSM cho thấy có sự tập trung cao trong nhóm đối tượng là công nhân tại các khu công nghiệp… Vì vậy, việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động là một trong những nhóm nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong phòng, chống HIV/AIDS…
Ông Eric Dziuban, Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, hiện nhiễm HIV cao trong nhóm MSM và tiếp tục tăng hàng năm, đặc biệt là ở nhóm tuổi 15-29. Ở một số tỉnh, 80% số ca nhiễm HIV mới là người trong độ tuổi lao động làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp.
Tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi
Những năm gần đây, tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Do đó, việc đẩy mạnh truyền thông, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho thanh, thiếu niên đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lây nhiễm, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe con người cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị, ngành y tế các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phối hợp với Liên đoàn lao động địa phương, đặc biệt là những địa phương có nhiều khu công nghiệp; xây dựng kế hoạch cụ thể và xác định được những địa bàn ưu tiên triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động.
Hiện nay, Cần Thơ là một trong những địa phương thực hiện đa dạng các loại hình về chương trình phòng chống HIV/AIDS, trong đó chú trọng các hoạt động truyền thông can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, xét nghiệm lưu động, xét nghiệm tại các cơ sở y tế tư nhân và tại cộng đồng thông qua các tổ chức CBO bằng việc ứng dụng các kỹ thuật, sinh phẩm xét nghiệm mới nhằm xác định những người có hành vi nguy cơ cao để triển khai các biện pháp can thiệp phù hợp phòng lây nhiễm HIV.
Để chuẩn bị cho việc mở rộng các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong công nhân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ phối hợp với Liên đoàn lao động thành phố xây dựng kế hoạch số 1572/KSBT-AIDS ngày 27/9/2023 về việc tổ chức Truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV/PrEP/Tư vấn xét nghiệm và giới thiệu hệ thống dịch vụ cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu nhà trọ trên địa bàn toàn thành phố. Trong tháng 11/2023, CDC phối hợp Liên đoàn lao động thành phố và 5 quận, Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, tổ chức 30 cuộc truyền thông cho gần 1.000 công nhân, lao động ở các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn.
Tại các buổi tuyên truyền, các bác sĩ, chuyên gia tư vấn ngoài thông tin về tình hình dịch tễ trên địa bàn, đã cung cấp những kiến thức cơ bản, hữu ích về phòng chống HIV/AIDS. Các dịch vụ xét nghiệm HIV và tự xét nghiệm, nguy cơ lây nhiễm khi quan hệ tình dục đồng giới nam. Quảng bá, giới thiệu các dịch vụ xét nghiệm, tư vấn xét nghiệm và các dịch vụ khác liên quan đến dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
Ngày 24/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ (CDC Cần Thơ) phối hợp Dự án USAID EPIC tổ chức hội thảo triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp.
Tham dự hội thảo có đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Tây Ninh; các doanh nghiệp, nhà máy và các tổ chức cộng đồng trên địa bàn TP Cần Thơ…
Tại hội thảo, các đại biểu nghe báo cáo về Hướng dẫn phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân, người lao động; các hoạt động truyền thông HIV cho công nhân các khu công nghiệp tại TP Cần Thơ… Ðồng thời nghe chia sẻ kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh về truyền thông HIV cho công nhân, người lao động; vai trò của tổ chức công đoàn trong hoạt động truyền thông HIV cho công nhân, người lao động; bài học kinh nghiệm triển khai các hoạt động truyền thông HIV cho công nhân; giới thiệu các mô hình truyền thông tạo cầu iREADY…
Theo CDC Cần Thơ, hướng tới chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030, nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Cần Thơ đã được triển khai đồng bộ. Số người nhiễm HIV phát hiện mới có xu hướng giảm, số người nhiễm tham gia điều trị ARV tăng lên… Tuy nhiên, số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố, đặc biệt là nhóm công nhân, người lao động lại tăng dần qua các năm từ 4,6% vào năm 2019 lên tới 14,2% vào năm 2023. Việc triển khai các hoạt động, chương trình phòng, chống HIV/AIDS dành cho nhóm công nhân cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, khó duy trì tính thường xuyên và bền vững.
Đại diện ngành y tế Cần Thơ cho biết, địa phương đang tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao kiến thức phòng, chống HIV/AIDS bằng nhiều hình thức, trong đó, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thông qua các kênh online để các bạn trẻ dễ tiếp cận như internet, trang website, zalo, facebook…
Các đơn vị trong ngành Y tế thành phố còn đa dạng các hình thức xét nghiệm HIV nhằm hỗ trợ người có nguy cơ nhiễm HIV dễ dàng tiếp cận với dịch vụ. Ngành Y tế đã triển khai dịch vụ tự xét nghiệm HIV bằng dịch miệng thông qua hình thức đăng ký nhận test xét nghiệm HIV miễn phí tại website: https://tuxetnghiem.vn. Thông qua trang web, đã thực hiện cấp phát test tự xét nghiệm HIV cho 1.499 đơn hàng, trong đó 41 trường hợp có phản ứng, 39 trường hợp được khẳng định dương tính và 02 trường hợp khẳng định âm tính, chuyển gửi điều trị ARV thành công 38 trường hợp. Quy trình cung cấp test đảm bảo tính bảo mật, nhanh chóng, thuận tiện. Đây là hình thức phù hợp cho nhóm đối tượng thanh niên trẻ.
Một trong những biện pháp góp phần giảm tỉ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới ở lứa tuổi thanh niên mà ngành Y tế đang triển khai hiệu quả là hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (gọi tắt là điều trị PrEP). PrEP là sử dụng thuốc kháng virus ARV để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV.
Đặc biệt, ngoài tuyên truyền vận động sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục không an toàn, cần tăng cao truyền thông để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV.
Theo Cổng thông tin điện tử chính phủ Tiếng Chuông