Chuyên gia khuyến cáo cách tập thể thao hậu COVID-19

Theo SKĐS – Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, sau mắc COVID-19, nếu vẫn giữ nguyên cường độ tập như trước khi mắc bệnh sẽ khiến cơ thể không có thời gian phục hồi tổn thương. Do đó, người bệnh cần có chế độ tập luyện phù hợp để cơ thể hồi phục toàn diện…

Hậu COVID-19: Cần có chế độ luyện tập thể thao phù hợp vói thể trạng, sức khoẻ mỗi người

PGS.TS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết tùy theo bệnh lý nền và tình trạng sức khỏe của từng người mà mức độ mắc COVID-19 ở mỗi người khác nhau. Theo đó, di chứng của COVID-19 để lại cũng ở mức độ khác nhau. Thông thường bệnh để lại di chứng ở cơ quan hô hấp- phổi, di chứng ở tim mạch, thần kinh, thận, não, cơ xương khớp và thậm chí bộ máy hoạt động sinh dục…

Để hồi phục các di chứng này, cần đi khám, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra quyết định điều trị phù hợp, trong dùng thuốc, trong dinh dưỡng (ăn uống), tập luyện và thư giãn an thần (bằng dùng thuốc hoặc tập thiền, yoga, xông hơi, massage, thủy trị liệu…).

“Để xác định lượng vận động, cường độ luyện tập, tần suất, thời gian vận động (trong một ngày là bao nhiêu lần, một tuần là bao nhiều lần, một lần tập kéo dài bao nhiêu phút, trở kháng là bao nhiêu)… cần có sự hỗ trợ của bác sĩ thể thao, bác sĩ phục hồi chức năng hoặc huấn luyện viên của môn tập đó trên cơ sở tình hình sức khỏe bệnh lý và mức độ di chứng để lại. Hiện nay có nhiều công cụ, phương pháp để xác định lượng, cường độ, tần suất và thời gian vận động”- PGS.TS Võ Tường Kha nói.

Một phương pháp phổ thông ai cũng có thể làm được đó là tự kiểm tra, cần 2 thông số là nhịp tim bình thường và mạch đập (nhịp tim) tối đa.

Cụ thể, một người trưởng thành khi mới ngủ dậy ở trạng thái yên tĩnh nhịp tim sẽ là khoảng 60-80 lần/phút. Để tính nhịp tim tối đa, cách đơn giản nhất là lấy 220 – số tuổi với nam và 226 – số tuổi với nữ.

Như vậy, một người khi tập chỉ được phép đạt 70-80% nhịp tim tối đa này thì mới có hiệu quả. Nếu nhịp tim tăng quá có thể gây tai biến, kiệt sức, tức ngực, khó thở, choáng, ngất, thiếu máu cơ tim… Không đạt nhịp tim dự kiến thì lượng vận động không đủ để có tác dụng cải thiện chức năng cần phục hồi. Trong quá trình tập, người tập có thể đo, đếm mạch, nếu thấy cao hơn 70-80% nhịp tim tối đa thì nên dừng lại…

Tránh luyện tập gắng sức

Theo các bác sĩ, sau mắc COVID-19, người bệnh cần có một chế độ sinh hoạt và tập luyện phù hợp để cơ thể hồi phục toàn diện như các bài tập thở đơn giản để cải thiện lưu lượng máu đến phổi và các đường dẫn truyền trong lồng ngực, giúp tăng cường chức năng phổi.

Người bệnh nên thực hiện các bài tập như đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu, đạp xe, chống đẩy, squat,… với cường độ vừa phải và tăng dần. Điều này giúp tăng nhịp tim và thúc đẩy lưu lượng máu, có thể giúp phổi phục hồi nhanh hơn.

Một số trường hợp sau khi khỏi bệnh chỉ đạt được 50% năng suất và sức lực so với trước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đừng quá lo lắng khi cơ thể không hồi phục lại ngay khi khỏi bệnh. Ngay cả F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, tự khỏi, sau 7 ngày thì chỉ nên tập luyện lại 50% khả năng cũng như cường độ so với lúc khỏe…

Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cũng nhấn mạnh: Tập luyện vốn tốt cho sức khỏe nhưng nếu tập không đúng, quá sức, lại gây hại, gây khó thở, tức ngực, thiếu máu cơ tim dẫn nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí tăng huyết áp, tụt huyết áp…

Có thể trước đây, bài tập như thế là bình thường, nhưng sau khi mắc COVID-19 bài tập như thế lại là quá sức. Vì thế, chuyên gia khuyên sau mỗi lần tập, sau mỗi ngày tập, mọi người cần kiểm tra lại xem lượng vận động, tần suất và thời gian của bài tập như thế đã phù hợp chưa, để điều chỉnh tăng hoặc giảm cường độ, lượng vận động, thời gian, tần suất của bài tập.

Khi cơ thể thích ứng đáp ứng với tăng dần cường độ, lượng vận động, thời gian và độ khó của bài tập lên, chứng tỏ công năng của cơ quan tổ chức đã dần hồi phục, mà trước tiên là sự cải thiện phục hồi tim phổi…

Các bác sĩ khẳng định việc tập luyện sau khi khỏi COVID-19 sẽ mang đến rất nhiều lợi ích gồm cải thiện thể lực, giảm khó thở, tăng sức mạnh cơ, cải thiện sự thăng bằng, sự phối hợp của cơ thể, tư duy cũng như tâm trạng, giảm căng thẳng, tăng tự tin,…

Tuy nhiên, người bệnh khi tập luyện cần tuân thủ các nguyên tắc gồm:

Khởi động kỹ trước khi tập; Không dừng tập đột ngột; Mặc quần áo thoáng mát, thoải mái và đi giày tập. Tránh tập luyện trong thời tiết quá nóng.

Ngoài ra, các bác sĩ nhấn mạnh bệnh nhân nên dừng tập ngay khi có dấu hiệu nôn, buồn nôn, chóng mặt, choáng váng, khó thở dữ dội, đổ mồ hôi lạnh, tức ngực, đau tăng lên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top