Đối tượng nào dễ bị tình trạng đồng nhiễm đậu mùa khỉ và HIV?

(Chinhphu.vn) – Người nhiễm HIV bị suy giảm hệ thống miễn dịch, sức đề kháng thấp hơn nên dễ dàng bị đồng nhiễm bệnh đậu mùa khỉ hơn.

63% người bệnh đồng nhiễm HIV/đậu mùa khỉ ở Việt Nam

BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đậu mùa khỉ đã trở thành bệnh lưu hành, vì vậy bất kỳ địa phương nào, thời điểm nào cũng có thể xuất hiện ổ dịch.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định, đường lây truyền của bệnh là qua tiếp xúc trực tiếp, đường máu, không lây qua hô hấp nên sẽ không gây trận dịch mạnh mẽ như cúm hay COVID-19.

Theo thống kê, đến nay nước ta ghi nhận 57 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 8 tỉnh, thành phố. Đặc biệt từ đầu tháng 7 đến nay liên tục ghi nhận các ca bệnh.

Hầu hết ca bệnh là nam (92,9%), có xu hướng tình dục là đồng tính nam và lưỡng tính nam (MSM – chiếm 78,6%), dị tính (8,9%). Khoảng 63% đang nhiễm HIV, 46% mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Bên cạnh đó, số liệu thống kê tại Việt Nam cũng cho thấy có tới 63% người bệnh đồng nhiễm HIV. Nguyên nhân là do khi nhiễm HIV, hệ miễn dịch, sức đề kháng thấp hơn nên dễ dàng nhiễm bệnh hơn.

Với đường lây truyền nói trên, những hành vi nguy cơ cao là quan hệ tình dục với người đang mang mầm bệnh, có vết loét ở vùng sinh dục, lây tương đối mạnh. Vì thế, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới MSM có nguy cơ lây nhiễm cao hơn so với người bình thường. Ngoài ra, nhóm này cũng có nguy cơ cao nhiễm HIV nên đôi khi gặp tình trạng đồng nhiễm đậu mùa khỉ và HIV.

Theo Bộ Y tế, đậu mùa khỉ là dịch bệnh mới ghi nhận tại nước ta, mầm bệnh đã xâm nhập trong cộng đồng nên trong thời gian tới, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp bệnh mới, đặc biệt tại các thành phố lớn khác ngoài TPHCM.

Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, triển khai các nội dung, trong đó có đẩy mạnh giám sát chủ động tại các cơ sở khám chữa bệnh, giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng và tại các cửa khẩu (nếu có cửa khẩu), lồng ghép giám sát với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công, tư cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS (xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, điều trị ARV) để phát hiện các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh, nguồn lây bệnh từ đó cung cấp các dịch vụ tư vấn, chăm sóc, điều trị;

Quản lý các trường hợp bệnh, người tiếp xúc không để lây nhiễm thêm, lây lan ra cộng đồng và phòng, chống lây nhiễm cho cán bộ y tế. Tư vấn, xét nghiệm HIV cho người bệnh và bạn tình của người bệnh đậu mùa khỉ.

Đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cần lấy mẫu xét nghiệm, liên hệ, gửi về Viện Pasteur/Vệ sinh dịch tễ khu vực để xét nghiệm, chẩn đoán…

Bệnh đậu mùa khỉ không liên quan đến HIV/AIDS 

Người nhiễm HIV bị suy giảm hệ thống miễn dịch nên dễ mắc bệnh đồng nhiễm HIV/đậu mùa khỉ. Điều này không có nghĩa là căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS và đậu mùa khỉ liên quan mật thiết với nhau.

Mới đây, tại buổi giao lưu với sinh viên và giảng viên Trường Đại học Văn Lang về “Hành trình 40 năm tìm ra HIV và Hành trình khoa học vì nhân loại”, Giáo sư Françoise Barré-Sinoussi – nhà khoa học đạt giải Nobel Y học năm 2008 cho công trình nghiên cứu tìm ra virus HIV khẳng định virus đậu mùa khỉ và virus HIV không liên quan đến nhau.

Thông tin về mối quan hệ giữa bệnh đậu mùa khỉ và HIV, Giáo sư Françoise Barré-Sinoussi cho biết, bệnh đậu mùa khỉ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và trước đó người ta đã sử dụng vaccine đậu mùa để chặn đứng dịch bệnh đậu mùa khỉ. Do đó, có thể khẳng định không có mối quan hệ giữa bệnh đậu mùa khỉ và HIV, chỉ có thể có một số bệnh nhân đã mắc HIV rồi có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Chia sẻ về triển vọng điều trị HIV/AIDS, Giáo sư Françoise Barré-Sinoussi cho biết, điều quan trọng nhất là tìm ra được loại thuốc để tách virus HIV ra khỏi cơ thể con người, nhưng hiện nay chưa đạt được đến trình độ đó. Thực tế, không thể nào tách virus này ra khỏi cơ thể con người, bởi virus này hiện diện trong cơ thể và trong cả gene của con người, nếu loại bỏ nó ra thì phải loại bỏ tất cả phân tử của cơ thể có chứa virus. Tuy không thể tách virus này ra khỏi cơ thể nhưng hướng sắp tới có thể cô lập virus này để nó không thể phát triển hơn.

“Hiện nay chúng ta đã có thuốc để điều trị HIV/AIDS, nhưng để điều trị khỏi hoàn toàn thì vẫn chưa có. Những người nhiễm HIV/AIDS nếu được phát hiện sớm, được điều trị đúng theo phác đồ thì họ có thể sống như những người bình thường”, Giáo sư Françoise Barré-Sinoussi nói.

Giáo sư Françoise Barré-Sinoussi là nhà virus học người Pháp nổi tiếng với phát hiện virus HIV gây suy giảm miễn dịch ở người vào năm 1983 tại Viện Pasteur Paris. 25 năm sau, bà đã được trao giải Nobel Y học cho thành tựu này và bà là một trong 13 nhà khoa học nữ đạt giải Nobel Sinh lý hay Y học vinh danh những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực này. Năm 1988, Giáo sư Françoise Barré-Sinoussi đã đến Việt Nam trước khi Việt Nam phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên.

Bà đã tổ chức khóa đào tạo đầu tiên về HIV/AIDS cho các nhà khoa học Việt Nam. Đến nay, Giáo sư đã có hơn 20 lần đến Việt Nam và giúp các nhà khoa học Việt Nam kết nối với nhiều chuyên gia trên thế giới. Thông qua giới thiệu của bà, các nhà khoa học tại các bệnh viện và viện nghiên cứu trong nước có thêm cơ hội tham gia vào mạng lưới nghiên cứu quốc tế. Bà cũng trực tiếp tham gia đào tạo cán bộ khoa học, hỗ trợ xây dựng mạng lưới hợp tác, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Cần làm gì để chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ?

Người nhiễm HIV do có sức đề kháng kém hơn nên dễ bị mắc bệnh đậu mùa khỉ hơn những nhóm khác. Cần lưu ý, người có các triệu chứng nghi của bệnh đậu mùa khỉ, hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh đậu khỉ mùa cần chủ động liên lạc hoặc tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời.

Bệnh đậu mùa khỉ không chỉ ở nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới. Bất kỳ ai tiếp xúc gần với người bị lây nhiễm đều có nguy cơ mắc bệnh.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã ban hành khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng sau:

Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

Bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

 

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ Tiếng Chuông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top