F0 nặng tăng, Hà Nội điều trị thế nào

Theo VnExpress – Một tuần sau Tết tăng gần 250 F0 nặng và nguy kịch, Hà Nội quyết bảo vệ nhóm nguy cơ, điều chỉnh phân tầng điều trị sẵn sàng tình huống 100-500 ca nặng mỗi ngày.

Ngày 19/2, Hà Nội ghi nhận hơn 4.800 ca nhiễm mới, hơn 800 ca nặng và nguy kịch. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc mới và ca nặng cao nhất thành phố từ tháng 3/2020 đến nay. Trong số nặng nguy kịch có 705 ca thở oxy mask và kính (tăng 27,9% so với trung bình 7 ngày trước), 46 ca thở máy không xâm lấn (tăng 120% so với trung bình 7 ngày trước), 19 ca thở HFNC, 36 ca thở máy xâm lấn, hai lọc máu, một can thiệp ECMO.

Sở Y tế Hà Nội đã điều chỉnh lại phân tầng tiếp nhận bệnh nhân theo triệu chứng, phù hợp với bối cảnh số ca nhiễm tăng cao. Riêng các bệnh viện thuộc tầng hai, ba (mức độ bệnh nhân nặng trung bình đến nguy kịch) chuẩn bị số giường điều trị tích cực.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (được Sở Y tế phân công điều trị F0 nặng) đang điều trị khoảng 110 F0, trung bình mỗi ngày 15 trường hợp nặng nhập viện. Bệnh viện có khoảng 250 giường hồi sức tích cực (ICU) và 150 giường tầng hai, như vậy hiện vẫn còn giường trống để tiếp nhận bệnh nhân nguy kịch.

Tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương (Phó giám đốc) cho biết 140 F0 nặng đang điều trị, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20 ca nặng. Số giường ICU tại đây là 250, tức vẫn còn giường điều trị cho F0 nặng.

Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Hoàng Bùi Hải (Phó giám đốc) cho biết số F0 nặng gần đây tăng nhanh. Viện chuẩn bị sẵn 500 giường, chia thành 19 đơn vị, mỗi đơn vị đều có giường ICU, giường cho bệnh nhân nặng và phòng áp lực âm cho các trường hợp đặc biệt. Bệnh viện triển khai hệ thống điều hòa không khí riêng cho từng phòng bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Theo lãnh đạo của ba bệnh viện trên, hầu hết người nhập viện đều cao tuổi, nhiều bệnh lý nền, chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều. Bác sĩ Thường cho biết nhiều bệnh nhân cao tuổi, suy giảm miễn dịch, sức khỏe yếu, tai biến nằm một chỗ, mắc Covid-19. Nhóm này thường nhập viện muộn, khi trở nặng mới được đưa vào viện nên tình trạng đã rất nặng.

“Để giảm quá tải bệnh nhân nặng và nguy kịch ở tầng ba, phải tiêm vaccine đủ liệu trình và liều tăng cường cho nhóm nguy cơ, đồng thời điều trị tốt ở tầng một, tầng hai, phát hiện bệnh nhân chuyển nặng kịp thời xử trí”, bác sĩ Thường nói.

Dù vậy, bác sĩ Thường đánh giá Hà Nội vẫn kiểm soát được tình hình, F0 nặng tăng song số tử vong giảm 30% so với trước Tết. Khi ấy, có ngày tử vong tới 19 người, hiện mất khoảng 10 ca một ngày. Ông dự đoán khi độ bao phủ vaccine tăng lên thì con số tử vong còn giảm hơn.

Trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cho biết gần 97% F0 không triệu chứng/nhẹ điều trị tại nhà, gần 100% dân số tiêm hai mũi vaccine. Do đó, ưu tiên trọng tâm của thành phố hiện nay là bảo vệ người nguy cơ cao mắc Covid-19, rà soát người nguy cơ cao chưa tiêm vaccine nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng và giảm tỷ lệ tử vong. Bà cũng đề xuất thay đổi cách đánh giá dịch, “không cần thiết công bố số ca nhiễm vì hiện số ca mắc trong cộng đồng cao”.

Thành phố yêu cầu các cơ sở y tế, bệnh viện tập trung đảm bảo giường thuộc tầng 2, tầng 3; chuẩn bị sẵn sàng tình huống 100-500 ca nặng một ngày. Sở Y tế bảo đảm cung cấp túi thuốc C (thuốc kháng virus) cho bệnh nhân tại các tầng điều trị, đặc biệt là F0 tại nhà để hạn chế chuyển tầng điều trị. Các kế hoạch chống dịch khác tiếp tục bám sát kịch bản đáp ứng 100.000 ca nhiễm hồi cuối tháng 11/2021, trong đó chuẩn bị 8.000 giường bệnh điều trị F0; phương án chuẩn bị oxy y tế hồi tháng 8/2021.

Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân có biểu hiện nghi nhiễm liên hệ với trạm y tế phường, xã để xét nghiệm miễn phí, hoặc liên hệ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội qua số điện thoại (0969.082.115 hoặc 0949.396.115) để được tư vấn. F0 tại nhà cần nhận biết các triệu chứng nặng, điều trị kịp thời. Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, tổng đài 1022, các tổ hỗ trợ điều trị Covid-19, ATM oxy, tư vấn hướng dẫn người bệnh cách tự chăm sóc bản thân, giảm quá tải ở tuyến y tế cơ sở.

Vấn đề đáng lo ngại là đa số bệnh nhân Covid-19 điều trị tại bệnh viện đều mắc bệnh lý nền, dễ mắc di chứng. Hội chứng hậu Covid càng kéo dài thì khả năng chống chịu của người bệnh càng thấp, dẫn đến tử vong nếu diễn biến quá nặng. “Những bệnh nhân này cần chăm sóc tốt hơn, khi đã âm tính Covid nhưng các triệu chứng vẫn dai dẳng, phải thở oxy, tổn thương phổi cần thời gian lâu dài để phục hồi chức năng”, bác sĩ Hải nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top