VTV.vn – Khoảng 1,3 triệu ca nhiễm HIV/AIDS mới được ghi nhận vào năm 2023, đây vẫn là con số cao so với mục tiêu giảm số ca nhiễm về mức 330.000 ca vào năm sau.
Mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030 có thể đạt được hay không, câu trả lời phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo chính trị đưa ra trong năm nay – theo thông tin từ Liên hợp quốc.
Số liệu từ năm 2023 cho thấy sự cải thiện trên toàn cầu về số ca nhiễm HIV/AIDS mới, việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV và số ca tử vong đều giảm. Tuy nhiên, hiện vẫn có gần 40 triệu người đang sống chung với HIV.
Báo cáo mới đây của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về phòng, chống HIV/AIDS (UNAIDS) cho thấy, mỗi phút có 1 sinh mạng mất đi vì AIDS. Hiện 9,2 triệu người trên khắp thế giới đang mang virus HIV nhưng không được tiếp cận với việc điều trị.
Dù không thể phủ nhận những tiến bộ đạt được trong việc giảm thiểu tới 70% số ca tử vong so với giai đoạn đỉnh điểm đầu những năm 2000 nhưng HIV/AIDS vẫn là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn. Báo cáo cũng chỉ ra rằng căn bệnh AIDS có thể không còn là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030, nhưng chỉ khi các cộng đồng ở tuyến đầu nhận được sự hỗ trợ đầy đủ mà họ cần từ chính phủ và các nhà tài trợ.
Trong một báo cáo khác của UNAIDS, thế giới đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc kiểm soát đại dịch HIV/AIDS. Số ca nhiễm HIV mới hàng năm đã giảm 59% so với đỉnh điểm năm 1995 – từ 3,2 triệu xuống còn 1,3 triệu ca vào năm 2022. Số ca tử vong liên quan đến AIDS đã giảm 69% so với đỉnh điểm năm 2004 và 51% so với năm 2010, xuống còn khoảng 630.000 vào năm 2022.
Về tiếp cận dịch vụ HIV, tỉ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của mình đã tăng lên 86% vào năm 2022. Tỉ lệ người nhiễm HIV đang điều trị ARV đã tăng từ 25% năm 2010 lên 76% năm 2022, tương đương với 29,8 triệu người đang điều trị.
Một số quốc gia đã đạt được thành tựu đáng chú ý trong việc kiểm soát HIV/AIDS. Năm quốc gia đã đạt được mục tiêu 95-95-95 trên toàn quốc vào năm 2022, ít nhất 16 quốc gia khác đang ở rất gần với mục tiêu này.
Mặc dù công tác phòng, chống HIV đã có nhiều tiến bộ nhưng thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc chấm dứt AIDS. Tốc độ giảm số ca nhiễm HIV mới vẫn chưa đủ nhanh để đạt mục tiêu giảm 90% vào năm 2030. Số liệu thống kê cho thấy vào năm 2022, vẫn có khoảng 4.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.