VNExpress – Tại phòng hồi sức Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, điều dưỡng Lê Thị Huệ, 31 tuổi, nắm chặt tay bệnh nhân HIV khi họ lìa đời.
Căn phòng hơn 20 mét vuông có 6 trường hợp bị HIV giai đoạn cuối, hầu hết cơ thể họ suy kiệt, chỉ còn “da bọc xương”, tay gắn chằng chịt dây dợ.
“Đặt ống thở máy cho bệnh nhân B20”, một bác sĩ ra y lệnh, hôm 13/3, khi hô hấp của người đàn ông 70 tuổi chuyển xấu, nồng độ oxy máu (SpO2) xuống thấp bất thường, xuất hiện cơn ngưng thở. B20 là ký hiệu nhân viên y tế đặt cho bệnh nhân HIV để tránh gây lo sợ cho người bệnh khác, cũng như giúp họ không cảm thấy bị kỳ thị.
Điều dưỡng Huệ cùng bác sĩ đo dấu hiệu sinh tồn, đặt ống nối khí quản, hồi sức cấp cứu. Bị kích thích bởi máy thở, người đàn ông bỗng lên cơn ho sặc sụa. Nữ điều dưỡng nhanh tay chắn giọt bắn, không để dịch và máu tiếp xúc các bề mặt.
Từ khi đặt máy thở, Huệ luôn túc trực bên cạnh theo dõi các chỉ số sinh tồn, cảm nhận ông sẽ khó qua khỏi. Vài tiếng sau, đôi mắt trũng sâu của bệnh nhân nhắm lại, bàn tay gắng gượng đưa lên để tìm nơi bấu víu, dù chằng chịt mũi tiêm. Huệ nhanh chóng bắt lấy tay ông, ngồi xuống kế bên, nắm chặt cho đến khi bệnh nhân mất.
Huệ lặng đi, ánh mắt nhìn giường bệnh hồi lâu, tay vẫn không bỏ.
“Có lẽ quá lâu rồi ông chưa ai nắm tay ai. Thiếu vắng người thân trong giờ phút cuối cùng là điều đau đớn nhất”, nữ điều dưỡng nói.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là tuyến cuối về bệnh truyền nhiễm ở miền Bắc. Trong đó, Khoa Hồi sức mỗi ngày tiếp nhận trung bình 2-3 người HIV nguy kịch phải can thiệp thở máy; 3-5 người khác chạy thận chu kỳ, tăng qua các năm. Điều này tương tự với tỷ lệ tăng của cả nước khi chỉ trong 9 tháng năm 2023, có 10.219 ca được phát hiện, 1.126 người tử vong.
Hiện, Việt Nam có gần 250.000 người sống chung với HIV, trong đó đường lây chủ yếu là qua đường tình dục, lây truyền qua đường máu có xu hướng giảm.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức Tích cực, nói đa số có hoàn cảnh phức tạp, từ người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm đến những thân phận bị gia đình bỏ rơi. Họ nhập viện trong tình trạng suy kiệt, sức đề kháng kém, tỷ lệ tử vong cao. Nhiều người mắc kèm 4-5 bệnh nền, là các bệnh nhiễm trùng dễ lây lan như viêm gan siêu vi trùng, vi khuẩn, nấm. Đặc biệt, các bệnh nhân đều có tâm lý bất ổn, cô đơn, suy sụp, trầm cảm.
Huệ nhớ lần đầu cô chăm sóc một bệnh nhân nam HIV giai đoạn cuối, 50 tuổi, cách đây 7 năm. Người bệnh cực đoan về tinh thần, luôn từ chối mọi sự chăm sóc, thậm chí chửi mắng nhân viên y tế. Gạt bỏ tự ái, cô nhẫn nại hỏi chuyện và giúp đỡ bệnh nhân.
Dần dần, người đàn ông cởi mở nói với Huệ về những lỗi lầm trong quá khứ, trong đó nỗi đau lớn nhất là ruồng bỏ vợ con. Anh luôn thấp thỏm về cái chết, mong muốn có người thân bên cạnh phút lìa đời, nhưng không có thân nhân nào vào thăm. “Đó là lần đầu tiên tôi ở bên cạnh một bệnh nhân trong phút lâm chung. Từ đó, tôi hiểu rằng không cần phải lên tiếng, chỉ cần để họ tâm sự cho đến lúc không còn gì để nói, là phần nào giúp họ nhẹ nhàng ra đi”, Huệ nói.
Tuy nhiên, điều chỉnh cảm xúc trước những cái chết không dễ dàng, nhất là với người điều dưỡng tuổi đời còn trẻ, mới vào nghề. Huệ còn đối mặt với những rủi ro lây nhiễm HIV khi cô thực hiện các thủ thuật hút đờm, lấy máu xét nghiệm, tiêm truyền, cầm máu, vệ sinh ống nội khí quản, xử lý rác thải…
“Các động tác vừa nhanh vừa phải khéo, một tay từ từ rút kim, tay còn lại nhanh chóng ấn chặt miếng bông vào vị trí vừa rút để cầm máu. Nếu không nhanh chóng ép bông vào, máu của bệnh nhân có thể ra ngoài, nguy cơ phơi nhiễm đối với nhân viên y tế”, Huệ mô tả. Do đó, cô và đồng nghiệp luôn nhắc nhở nhau đeo găng tay, đeo khẩu trang để bảo hộ.
Trường hợp bị phơi nhiễm, lập tức phải test nhanh. Kết quả âm tính, nhân viên y tế sẽ uống ARV (thuốc ngăn ngừa nhiễm HIV dự phòng), sau ba tháng tái xét nghiệm định lượng xem có mắc bệnh không. Tháng 12 hằng năm, y bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực sẽ được kiểm tra sức khỏe định kỳ.
“Lần nào chờ kết quả cũng như ngồi trên đống lửa”, Huệ nói, thêm rằng may mắn cô chưa từng phải uống ARV dự phòng.
Để công việc hiệu quả, Huệ học cách điều chỉnh cảm xúc từ những đồng nghiệp lớn tuổi, bằng cách cân bằng cuộc sống và sự nghiệp, tập thể dục, dành thời gian cho cá nhân và gia đình. Cô coi việc chăm sóc bệnh nhân HIV cuối đời là trách nhiệm, làm việc với tâm niệm “yêu nghề và hết sức mình”.
“Chúng tôi không cho phép bị ảnh hưởng quá nhiều về những cái chết, nếu không, nhân viên y tế sẽ không thể làm việc”, Huệ nói, nhủ lòng “đây là quy luật cuộc đời”.
Sau khi màn hình thể hiện dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân B20 chạy một đường thẳng dài (cho thấy tim ngừng đập), cùng lúc bác sĩ hoàn thành thăm khám lần cuối, Huệ sẽ tắt các máy móc, thu dọn quần áo, tư trang và đẩy người bệnh đến nhà xác.
“Tại đây, những bệnh nhân này sẽ được chăm sóc lần cuối để ra đi thanh thản”, cô nói.
Theo VNExpress