Các quan chức y tế Philippines cảnh báo về số ca nhiễm mới HIV ngày càng gia tăng, đặc biệt trong nhóm trẻ tuổi.
Số liệu thống kê của Bộ Y tế Philippines mới đây cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại quốc gia này đã ghi nhận hơn 3.000 trường hợp nhiễm HIV mới với 82 trường hợp tử vong tính đến tháng 3 năm nay. Hơn 30% số trường hợp ở độ tuổi từ 15 đến 24 và 46% ở độ tuổi từ 25 đến 34.
Cơ quan này ước tính có gần 130.000 người sống chung với HIV ở Philippines, quốc gia có dân số 110 triệu người. Bộ trưởng Y tế Teodoro Herbosa cho biết: “Số ca nhiễm mới thực sự cao, 55 ca mới một ngày, mức cao nhất trên thế giới”, đáng báo động là số người nhiễm mới đang ngày càng trẻ hóa.
Hiện HIV chưa có thuốc chữa. Chỉ 64% những người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng virus giúp họ sống lâu hơn và có cuộc sống bình thường.
Theo dữ liệu mới nhất từ Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS), khoảng 6,5 triệu người sống chung với HIV ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khu vực này chiếm 23% số ca nhiễm HIV mới trên toàn cầu vào năm 2022, với 26% trường hợp ở độ tuổi từ 15 đến 24.
Trong khi tổng số ca nhiễm HIV trên toàn khu vực giảm 14% từ năm 2010 đến năm 2022 thì Philippines lại báo cáo số ca nhiễm hàng năm tăng đột biến 237% từ năm 2010 đến năm 2020, khiến nước này trở thành quốc gia có số ca nhiễm tăng nhanh nhất ở châu Á – Thái Bình Dương.
Trường hợp của một sinh viên đại học ở thủ đô Manila 25 tuổi tên Chris cho biết, anh phát hiện tình trạng bệnh bắt đầu bằng một vết phát ban bất thường trên ngực. “Lúc đầu, tôi nghĩ đó chỉ là vết phát ban do xà phòng mẹ mua”, anh nói.
Những ngày sau đó, anh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, sốt và ớn lạnh vào ban đêm. Khi loại trừ nguyên nhân dị ứng gây phát ban, bác sĩ da liễu đề nghị anh nên đi xét nghiệm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV).
Chris chỉ là một trong số những tảng băng nổi, là người có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV ngày càng tăng ở Philippines.
Tiến sĩ Ronivin Pagtakhan, người sáng lập LoveYourself, một tổ chức của các phòng khám HIV thân thiện với cộng đồng song tính, đồng tính và chuyển giới (LGBTQ), cho biết sự kỳ thị xung quanh HIV rất cao khi ông thành lập phòng khám vào năm 2011 và mọi người ngại đi xét nghiệm vì sợ bị phân biệt đối xử.
Giống như phần còn lại của châu Á, các rào cản như sự kỳ thị của xã hội và việc thiếu giáo dục giới tính toàn diện góp phần thúc đẩy xu hướng gia tăng số ca nhiễm HIV, vì chúng có thể ngăn cản mọi người đi xét nghiệm và tìm cách điều trị.
“Ngày nay, mặc dù sự kỳ thị vẫn còn tồn tại nhưng chúng tôi đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc cung cấp nhiều lựa chọn xét nghiệm hơn”, ông Pagtakhan nói. Các lựa chọn này bao gồm tự xét nghiệm, các chương trình tiếp cận cộng đồng và các chiến lược phòng ngừa kết hợp giúp việc xét nghiệm trở nên dễ tiếp cận hơn và ít đáng sợ hơn.
Do đó, ông Pagtakhan nhận thấy số lượng người trẻ tuổi đến phòng khám xét nghiệm ngày càng tăng. “Mọi người ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc biết tình trạng của họ và tìm cách điều trị sớm”, ông nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS cho rằng cần phải làm nhiều việc hơn nữa để bảo đảm khả năng tiếp cận thông tin và điều trị trên diện rộng. Chẳng hạn, ông Pagtakhan cho rằng chính quyền cần bảo đảm cung cấp thuốc và các biện pháp phòng ngừa như bao cao su và chất bôi trơn, cũng như điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm.
Theo Báo Thái Nguyên