Phòng chống HIV/AIDS: Đẩy mạnh chiến lược lấy con người làm trung tâm

(Chinhphu.vn) – Trong 33 năm qua đã có nhiều mô hình trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, tuy nhiên Việt Nam luôn hướng tới chiến lược lấy con người làm trung tâm để người nhiễm HIV sống khỏe mạnh với HIV…

Nhiều mô hình phòng chống HIV đa dạng, linh hoạt

Việt Nam đang cập nhật những kiến thức mới nhất các nghiên cứu khoa học từ các hội nghị khoa học quốc tế về HIV và thảo luận về khả năng triển khai các sáng kiến mới này tại Việt Nam trong điều trị và dự phòng HIV…

Những hoạt đó giúp cho những người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, họ không chỉ được can thiệp chăm sóc điều trị bệnh HIV mà còn được chăm sóc, điều trị dự phòng nhiều bệnh khác như viêm gan, đậu mùa khỉ…

PGS.TS.BS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, thế giới đã có 44 năm phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam đã có 33 năm triển khai công tác này. Trong 33 năm qua, Việt Nam đã có nhiều mô hình khác nhau được áp dụng, với các biện pháp dự phòng và điều trị HIV/AIDS, điển hình như các loại thuốc mới phát minh được cập nhật để điều trị tốt với nhiều đối tượng khác nhau.

Thời kỳ trước đối tượng đích của Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam là những người nghiện chích ma tuý, thì chiến lược được ngành y tế và cả nước đầu tư đó là việc triển khai phát bơm kim tiêm sạch… Một thời gian sau đó, đối tượng đích thay đổi là nhóm phụ nữ mại dâm, Việt Nam có nhiều mô hình khác nhau để can thiệp ý nghĩa như phát miễn phí bao cao su và tiến hành các biện pháp can thiệp, truyền thông thay đổi nhận ở nhóm này.

Theo PGS.TS.BS. Phan Thị Thu Hương, hiện nay những rào cản về kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã giảm, giúp họ tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, được điều trị sớm và chăm sóc tốt. Nhiều người nhiễm HIV sống hoàn toàn khỏe mạnh khi tuân thủ tốt điều trị.

Cũng theo PGS Hương, Việt Nam đã áp dụng nhiều mô hình, đặc thù khác nhau trong các biện pháp dự phòng và điều trị, phù hợp với đặc tính, đối tượng (như nhóm đối tượng nghiện ma túy, nhóm đối tượng mại dâm, nhóm can thiệp đồng giới…)… để người bệnh tiếp cận điều trị thuận lợi nhất; nhiều loại thuốc mới phát minh được cập nhật kịp thời điều trị phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau.

Hàng loạt các mô hình có ý nghĩa không chỉ được triển khai ở cộng đồng mà còn hướng đến các cam kết chung của toàn cầu như mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và tiếp theo là 95-95-95 vào năm 2025. Tại Việt Nam, việc xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện tại hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 230 phòng xét nghiệm.

Tuy nhiên, nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS ngày càng khó khăn, do đó cần xác định được biện pháp nào và nhóm đối tượng ưu tiên can thiệp, điều trị và dự phòng là rất quan trọng.

“Chúng ta phải xác định lựa chọn dùng biện pháp nào, nhóm đối tượng nào cần ưu tiên để đầu tư toàn lực, đặc biệt là việc triển khai các biện pháp dự phòng sớm sẽ là yếu tố tiên quyết để tiết kiệm hiệu quả nguồn lực điều trị bệnh sau này”, PGS Hương cho hay.

Cần lồng ghép các dịch vụ y tế lấy con người làm trung tâm

Ông Eric Dziuban, Giám đốc Quốc gia Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tại Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, các chương trình chăm sóc và điều trị HIV/AIDS triển khai trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam với mục tiêu giúp người nhiễm HIV cải thiện sức khỏe, với chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Các chương trình can thiệp dự phòng cũng như điều trị HIV/AIDS giúp người bệnh có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, người nhiễm HIV không có nguy cơ truyền HIV sang người khác qua quan hệ tình dục.

Khi tải lượng HIV đạt được ngưỡng này, sẽ làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, hỗ trợ tuân thủ điều trị và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần ở người nhiễm HIV cũng như người thân của họ.

Cũng theo ông Eric Dziuban, trước kia, có nhiều phác đồ điều trị cho người nhiễm HIV bằng nhiều loại thuốc khác nhau, dù hiệu quả nhưng đi kèm theo nhiều tác dụng phụ. Qua thời gian, với nhiều tiến bộ trong khoa học kỹ thuật, các loại thuốc mới được cải thiện, mọi người không còn lo lắng về tác dụng phụ của thuốc nữa. Đặc biệt, trong bối cảnh khoa học, công nghệ ngày càng phát triển. Việt Nam đang ngày càng làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV, trong bối cảnh lấy người bệnh làm trung tâm.

PGS. Todd Pollack, Giám đốc Y khoa Tổ chức The Beth Israel Deaconess Medical Center, Inc. (BIDMC) Việt Nam cho biết, tiêu chí chăm sóc lấy con người làm trung tâm và khái niệm mới về “90 thứ tư” là mục tiêu để người bệnh đạt được tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Tuy nhiên, hiện ngành y tế vẫn đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng khác như các bệnh không lây nhiễm, trầm cảm, lo âu và những trải nghiệm hoặc sự lo sợ bị phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Vì vậy mục tiêu “90 thứ tư” được bổ sung bên cạnh mục tiêu xét nghiệm và điều trị để đảm bảo 90% người có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế có chất lượng cuộc sống trên cơ sở sức khoẻ tốt.

Theo PGS. Todd Pollack, thực tế cho thấy người nhiễm HIV tại Việt Nam đang gặp phải các vấn đề về sự kỳ thị và phân biệt đối xử tại cộng đồng và ở các cơ sở y tế. Vì vậy, Việt Nam cần triển khai các hoạt động để đạt được mục tiêu “90 thứ tư.”

“Để khắc phục những hạn chế trên và để đạt được mục tiêu “90 thứ tư,” Việt Nam cần lồng ghép các dịch vụ y tế lấy con người làm trung tâm. Đó là việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị toàn diện này nhằm hướng đến mục tiêu của thiện chất lượng cuộc sống ở người nhiễm HIV. Do vậy, Việt Nam cần thiết kế và cung cấp dịch vụ dựa trên nhu cầu của người bệnh thay vì tập trung vào trị bệnh.

“Bên cạnh đó, thúc đẩy phương thức tiếp cận và cung cấp dịch vụ lấy con người làm trung tâm, kết nối chặt chẽ với các dịch vụ chăm sóc ban đầu. Cụ thể, là việc lồng ghép các dịch vụ lấy con người làm trung tâm như nhấn mạnh mỗi cá nhân tự chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình thay vì phải nhận chăm sóc thụ động…,” PGS Todd Pollack phân tích.

Từ năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo lồng ghép cung cấp dịch vụ sàng lọc, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường tại các cơ sở y tế điều trị HIV/AIDS. Người nhiễm HIV không chỉ điều trị ARV hiệu quả để đạt tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế mà còn cần được sàng lọc quản lý điều trị hiệu quả các bệnh không lây nhiễm.

Việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị toàn diện này nhằm hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống ở người nhiễm HIV. Trong khi đó, hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS cũng đã được Bộ Y tế ban hành, hướng dẫn việc cung các dịch vụ sàng lọc, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV.

Ngành y tế cũng khuyến khích phổ cập tư vấn K=K cho người bệnh khi tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, người nhiễm HIV không có nguy cơ truyền HIV sang người khác qua quan hệ tình dục. Khi tải lượng HIV đạt được ngưỡng này, sẽ làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; hỗ trợ tuân thủ điều trị và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần ở người nhiễm HIV cũng như người thân của họ.

Các thời điểm cần thực hiện giáo dục K=K cho người bệnh bao gồm khi tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm HIV, khi người nhiễm HIV bắt đầu điều trị ARV và tại thời điểm thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ…

Theo Cổng thông tin điện tử chính phủ Tiếng Chuông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top