PrEp theo tình huống- Thêm một lựa chọn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

PrEP -Sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao. PrEP có hiệu quả dự phòng nhiễm HIV đến 96-99% nếu tuân thủ điều trị. Có thể dùng PrEP hàng ngày và PrEP theo tình huống…

Ngoài khuyến cáo về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV sử dụng hàng ngày, năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra khuyến cáo mới về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm theo tình huống (ED-PrEP) trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Khác với sử dụng PrEP hàng ngày, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm theo tình huống là người có hành vi nguy cơ cao sử dụng PrEP mỗi khi có hành vi nguy cơ.

Thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm theo tình huống về bản chất cũng là thuốc kháng vi rút có thành phần là TDF/FTC hoặc TDF/3TC như PrEP hàng ngày. Tuy nhiên uống liền 2 viên cho liều đầu tiên trong vòng từ 2-24h trước khi quan hệ tình dục và uống viên thứ 3 sau liều đầu 24h và uống viên thứ 4 sau liều đầu 48h. Những ngày tiếp theo nếu có quan hệ tình dục, người sử dụng ED-PrEP có thể tiếp tục uống 1 viên mỗi ngày và ngừng uống sau lần quan hệ tình dục cuối cùng 2 ngày.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, ED-PrEP là an toàn và hiệu quả cao trong giảm nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), những người nam quan hệ tình dục đồng giới thấy ED-PrEP tiện lợi hơn PrEP. Đặc biệt ở những người có quan hệ tình dục không thường xuyên (ví dụ trung bình dưới 2 lần/tuần)…

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia nên cân nhắc đưa ED-PrEP vào hướng dẫn quốc gia. Bộ Y tế Việt Nam đã cập nhật khuyến cáo này vào Hướng dẫn quốc gia điều trị HIV/AIDS từ năm 2019 và hiện nay ED-PrEP đã được cung cấp tại các tỉnh thành, phố lớn của Việt Nam.

Theo WHO, ED-PrEP không khuyến cáo sử dụng cho các quần thể khác như phụ nữ mại dâm, người chuyển giới nữ và nam có quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc hậu môn với phụ nữ vì chưa có đủ bằng chứng khoa học; Nghiên cứu về dược học của Tenofovir ở đường sinh dục nữ cho thấy ED-PrEP có thể không đủ để bảo vê vệ hoàn toàn cho phụ nữ; Có sự tương tác giữa PrEP và liệu pháp hooc môn nữ ở người chuyển giới nữ, do vậy phụ nữ chuyển giới nên thận trọng với ED-PrEP.

Cần lưu ý, dù sử dụng PrEP hàng ngày hoặc ED-PrEP cũng chỉ dự phòng lây nhiễm HIV mà không dự phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như Lậu, Giang mai, Viêm gan B, C… Do vậy bên cạnh PrEP, Tổ chức Y tế Thế giới vẫn khuyến cáo mọi người nên dùng thêm bao cao su khi quan hệ tình dục ngay cả khi đã dùng PrEP.

Tìm hiểu thêm về PrEP tại đây.

Nguồn: Báo Sức khỏe đời sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top