SKĐS – Triển khai điều trị PrEP kỳ vọng tạo bước tiến mới trong dự phòng lây nhiễm HIV ở nhóm đối tượng nguy cơ cao, tiến tới giảm số người nhiễm mới HIV, góp phần chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Ngày 16/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu triển khai điều trị PrEP tại Phòng khám chuyên khoa và Điều trị nghiện chất (trực thuộc đơn vị) nhằm chủ động giúp người có nguy cơ cao tiếp cận dịch vụ.
PrEP là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao. Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, điều trị PrEP là một trong những can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả hiện nay.
Cơ thể bình thường khi bị vi khuẩn, virus xâm nhập sẽ được bảo vệ bởi các tế bào đặc biệt trong hệ miễn dịch là tế bào T-CD4. Khi HIV vào trong cơ thể, chúng sẽ tấn công các tế bào T-CD4, làm vô hiệu hóa khả năng bảo vệ và sử dụng chính những tế bào này để nhân lên, giải phóng tạo ra hàng tỷ bản sao mỗi ngày.
Dần dần khả năng bảo vệ của hệ miễn dịch suy yếu, khi đó các bệnh nhiễm trùng cơ hội sẽ tấn công và những người nhiễm HIV sẽ chết bởi những bệnh cơ hội đó (giai đoạn AIDS). Thuốc PrEP sẽ có tác dụng bảo vệ tế bào T-CD4 bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzym) là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới, không cho virus HIV tấn công, khiến chúng không thể nhân lên và bảo vệ bạn trước nguy cơ lây nhiễm HIV.
ThS.BS Lý Văn Sơn, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS (CDC Thừa Thiên Huế) cho biết, khi tiếp cận dịch vụ điều trị PrEP, người dân được tiếp đón, tư vấn, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc HIV, giang mai, creatinin, HBsAg, Anti-HCV và tư vấn sử dụng miễn phí thuốc ARV điều trị dự phòng trước phơi nhiễm.
“Trong năm 2023, chúng tôi triển khai điều trị PrEP lưu động trên địa bàn tỉnh. Người tham gia dịch vụ đa phần các bạn trẻ, sinh sống trên địa bàn thành phố Huế và các vùng lân cận. Hiện nay, chúng tôi đang thúc đẩy tiếp cận dịch vụ cho đối tượng nguy cơ cao”, ThS.BS Lý Văn Sơn nói.
ThS.BS Lý Văn Sơn cho biết, thông qua sự hỗ trợ của Dự án Quỹ Toàn cầu, hy vọng chương trình điều trị PrEP tại Thừa Thiên Huế tạo bước tiến mới trong dự phòng lây nhiễm HIV ở nhóm đối tượng nguy cơ cao, tiến tới giảm số người nhiễm mới HIV, góp phần chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Theo Sức khỏe & Đời sống