(Chinhphu.vn) – Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến thời điểm hiện tại, toàn quốc có 233.681 trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống, trong đó 12.800 trường hợp nhiễm HIV trong năm 2023.
Tổng số người nhiễm HIV/AIDS tử vong ghi nhận tại Việt Nam trong các năm qua là 114.079.
Trong năm 2023, cả nước triển khai tư vấn xét nghiệm cho khoảng hơn 2,1 triệu lượt người, trong đó số lượt xét nghiệm có kết quả dương tính với HIV/AIDS khoảng 16.000 trường hợp; điều trị thuốc kháng virus (ARV) cho trên 175.000 bệnh nhân, trong đó có 3.061 trẻ em; điều trị methadone cho khoảng 51.000 bệnh nhân.
Theo chuyên gia Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), việc bảo đảm chất lượng điều trị, đạt ngưỡng virus dưới tải lượng có ý nghĩa quan trọng, vì khi một người nhiễm HIV được điều trị ARV mà đạt đến mức ức chế virus, nghĩa là tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu, còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện (hay còn gọi là “không phát hiện = không lây truyền”), sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường tình dục.
Tuy nhiên, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng lưu ý, “không phát hiện = không lây truyền” không được áp dụng để phòng lây nhiễm HIV qua đường máu, mặc dù khi tải lượng virus trong máu khi điều trị ARV có thể ở mức thấp. Do vậy, không sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích, cần sử dụng các biện pháp an toàn khi tiếp xúc với máu để tránh bị lây nhiễm HIV.
“Không phát hiện = không lây truyền” cũng không áp dụng cho các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Vì ngay cả khi đạt tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu cũng không phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai, sùi mào gà… Bên cạnh đó, người có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện vẫn cần chủ động quan hệ tình dục an toàn, dự phòng lây truyền các bệnh lây truyền qua đường tình dục và mang thai ngoài ý muốn.
Trong năm 2024, ngành y tế sẽ mở rộng điều trị ARV tại các tỉnh, thành phố, chú trọng nâng cao chất lượng điều trị, duy trì tỉ lệ người bệnh điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt trên 95%; đồng thời mở rộng dịch vụ cung cấp xét nghiệm tải lượng virus HIV cho người nhiễm HIV, điều trị ARV.
Hệ thống y tế cũng đẩy mạnh các hoạt động phát hiện tích cực bệnh lao và điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV; mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV; triển khai điều trị viêm gan C cho người nhiễm HIV, người đang điều trị methadone nhiễm viêm gan C.
Bộ Y tế cũng thiết lập hệ thống giám sát ca bệnh từ khi xác định nhiễm HIV, trong suốt quá trình tham gia điều trị, đến khi người nhiễm HIV tử vong; duy trì hoạt động giám sát trọng điểm HIV, giám sát trọng điểm lồng ghép hành vi. Áp dụng kỹ thuật chẩn đoán mới nhiễm trong giám sát trọng điểm để đánh giá và ước tính nguy cơ lây nhiễm HIV trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao…
Theo PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, sau 33 năm triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS, xã hội đã giảm đáng kể sự phân biệt kỳ thị bệnh nhân. Người nhiễm HIV/AIDS đã giảm đi nhiều rào cản phân biệt đối xử, được tiếp cận điều trị sớm, chăm sóc tốt. Có những người hoàn toàn khỏe mạnh như người bình thường khi họ tuân thủ điều trị tốt.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã áp dụng nhiều mô hình, đặc thù khác nhau trong các biện pháp dự phòng và điều trị, phù hợp với đặc tính, đối tượng (như nhóm đối tượng nghiện ma túy, nhóm đối tượng mại dâm, nhóm can thiệp đồng giới…)… để người bệnh tiếp cận điều trị thuận lợi nhất; nhiều loại thuốc mới phát minh được cập nhật kịp thời điều trị phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau.
Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đã triển khai các biện pháp dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV không chỉ trong cộng đồng, mà còn triển khai theo thông điệp chung của toàn cầu đưa ra để đạt được các mục tiêu chung trong công tác phòng chống HIV/AIDS.
Theo Cổng thông tin điện tử chính phủ Tiếng Chuông