TP HCM làm gì nếu Covid-19 bùng phát dịp Tết?

Theo VnExpress – Giả định xuất hiện biến chủng phụ mới, số ca bệnh Covid-19 tăng gấp 3-4 lần, Sở Y tế TP HCM kích hoạt trở lại Bệnh viện dã chiến số 13.

Ngày 17/11, Sở Y tế diễn tập tái kích hoạt bệnh viện dã chiến, chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản chủng XBB và XBB.1.5 lây lan nhanh trong dịp Tết Nguyên đán. Đây là hai chủng mới của Omicron, có khả năng lây lan nhanh nhất so với các chủng đã biết. Trong đó, TP HCM và Tây Ninh đã ghi nhận xuất hiện XBB, chưa phát hiện ca nào nhiễm XBB 1.5.

“Nhu cầu giao lưu, đi lại, thương mại tăng cao trong dịp Tết nên có thể lây lan nhanh chủng XBB và xuất hiện biến chủng phụ nguy hiểm XBB.1.5”, đại diện Sở Y tế cảnh báo.

Lần diễn tập này, tình huống giả định là từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng âm lịch, tức ngày 20-26/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) phối hợp Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) xác định tại thành phố xuất hiện một biến chủng phụ mới của Omicron. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và các bệnh viện đa khoa có số ca mắc Covid-19 tăng gấp 3-4 lần, số ca thở oxy cũng tăng, hầu hết bệnh nhân có triệu chứng.

Dịch diễn biến theo chiều hướng xấu khi khoa Covid-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã sử dụng hết 50 giường (trong tổng số 70 giường hồi sức). Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa khác cũng sử dụng gần 50% công suất giường điều trị Covid, chưa có ca tử vong.

Khi ấy, Bệnh viện Dã chiến số 13 được kích hoạt trở lại trong vòng 24 giờ, với 100 giường hồi sức tích cực (ICU) tiếp nhận ca Covid-19 nặng. Tùy theo diễn tiến dịch bệnh, quy mô của bệnh viện dã chiến sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Sở Y tế chuẩn bị 100 máy thở, trong đó đang có sẵn 30 cái, 70 cái còn lại sẽ được huy động từ các bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Nguyễn Tri Phương, Phạm Ngọc Thạch…; 100 monitor, trong đó có sẵn 25 cái và sẽ huy động thêm 75 cái. Hai máy X-quang di động đã có, không cần huy động thêm.

Đồng thời, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chuẩn bị đủ thuốc, vật tư y tế, phương tiện phòng hộ cho 100 giường bệnh. Kho dự trữ chống dịch cũng sẵn có các máy xét nghiệm (huyết học, sinh hóa cơ bản), trang thiết bị hồi sức nâng cao, khi cần sẽ được điều động.

Phương án vận chuyển bệnh nhân Covid-19 nặng cũng được dự trù, trong đó Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới bố trí một xe trực tại Bệnh viện Dã chiến số 13, Trung tâm Cấp cứu 115 chịu trách nhiệm vận chuyển bệnh nhân tại nhà đến viện và hỗ trợ các bệnh viện khác.

54 bác sĩ được phân công nhiệm vụ để chăm sóc các bệnh nhân nặng, trong đó ít nhất 27 bác sĩ chuyên về hồi sức cấp cứu và 108 điều dưỡng. Sở Y tế “rút” nhân lực từ các bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115, Nguyễn Tri Phương, Trưng Vương…, đồng thời, Bộ Tư lệnh điều động chiến sĩ tăng cường cho Bệnh viện Dã chiến số 13.

Các nhóm chuyên viên về đánh giá và dự báo tình hình dịch, tư vấn từ xa cho bệnh nhân, nhóm điều phối và chuyển bệnh nhân nặng, nhóm hậu cần… cũng được chuẩn bị sẵn.

Ba năm qua Covid-19 xuất hiện, gần như thời điểm gần Tết năm nào dịch cũng “nóng” lên theo tình hình chung thế giới. Tết năm 2021, cả nước tập trung phòng dịch xâm nhập từ các tỉnh ở biên giới Tây Nam thì xuất hiện ca nhiễm tại Yên Bái, từ đó lây lan nhanh đến các tỉnh xung quanh và vào TP HCM, Tây Nguyên. Đến tháng 5, TP HCM bắt đầu làn sóng Covid-19 với các ca nhiễm đầu tiên liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng, sau đó lây lan tại thành phố và các tỉnh phía Nam, Nam Trung bộ, tạo thành đợt bùng phát dịch thứ 4 trên cả nước, hàng trăm nghìn người nhiễm, hàng chục nghìn người tử vong.

Khi ấy thành phố phải thần tốc lập hơn 30 bệnh viện dã chiến, chuyển đổi công năng hàng chục bệnh viện đa khoa để chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19, áp dụng các biện pháp cách ly xã hội, tổ chức tiêm vaccine Covid-19 toàn dân… Đến cuối năm 2021, dịch Covid-19 được kiểm soát, các bệnh viện dã chiến lần lượt giải thể, các bệnh viện đa khoa được chuyển về công năng bình thường.

Theo vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top