HÀ NỘI – Nam thanh niên, 19 tuổi, mệt mỏi dài ngày, loét miệng, dễ bị cảm lạnh nên cùng bạn đồng giới đến bệnh viện khám bệnh hô hấp, bất ngờ phát hiện mắc HIV.
Ngày 29/5, bác sĩ Phạm Quang Khải, Khoa Phẫu thuật Thận Tiết niệu – Nam học, Bệnh viện E, cho biết người bệnh đến khám cùng bạn đồng giới 22 tuổi. Kết quả khám lâm sàng không ghi nhận bệnh lý hô hấp. Do hai người quan hệ đồng giới, không dùng bao cao su, bác sĩ đánh giá họ thuộc nhóm nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh tình dục nên khuyên tiến hành các xét nghiệm kiểm tra. Kết quả xét nghiệm máu cả hai đều mắc HIV.
“Bệnh nhân sốc, không nghĩ mình bị H cũng không biết lây nhiễm từ lúc nào”, bác sĩ nói, thêm rằng phải động viên tâm lý cả hai bệnh nhân. Bác sĩ khuyên họ nên dùng thuốc ức chế virus sớm cũng như có biện pháp phòng ngừa, tránh lây nhiễm bệnh cho người khác.
HIV là virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch ở người. Bệnh gây tổn thương hệ thống miễn dịch khiến cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh, dẫn đến chết người.
Trong đó, nhóm quan hệ đồng tính có nguy cơ lây bệnh HIV và các bệnh qua đường tình dục khác cao do quan hệ đường hậu môn. “Nguyên nhân là niêm mạc ở trực tràng dễ tổn thương và dễ bị virus xâm nhập hơn so với niêm mạc âm đạo”, bác sĩ nói. Ông cho rằng người trẻ thường chủ quan trong quan hệ tình dục, thiếu kiến thức về bệnh lý và cách phòng tránh nên dễ lây nhiễm hoặc không kịp thời nhận biết triệu chứng bệnh, như hai thanh niên trên.
Đường lây nhiễm HIV tại Việt Nam được Bộ Y tế ghi nhận là có sự thay đổi so với hai thập kỷ trước. Trong đó, quan hệ tình dục đồng giới nam hiện là đường lây chính, trong khi trước đây lây nhiễm chủ yếu qua quan hệ với gái mại dâm và tiêm chích ma túy.
Tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm đồng giới nam tăng từ gần 4% năm 2011, lên gấp hơn ba lần vào năm 2022, theo thống kê của Bộ Y tế, và dự báo tiếp tục tăng trong tương lai. Người mắc mới đa số ở độ tuổi trẻ, 16-29 tuổi, đặc biệt là công nhân và học sinh, sinh viên. Phân tích đường lây nhóm tuổi này cho thấy gần 89% mắc bệnh do quan hệ tình dục, trong đó đồng giới nam chiếm gần 77%.
Nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác thường cao ở nhóm đồng giới nam còn do họ thay đổi đối tác quan hệ thường xuyên. Nhiều người đồng tính có thể quan hệ chéo dẫn đến lây nhiễm theo cấp số nhân. “Nhiều người lầm tưởng quan hệ đường hậu môn không gây lây nhiễm”, bác sĩ Khải nói.
Thời gian ủ bệnh của các bệnh nhân rất khác nhau. Thông thường, người bệnh phát hiện nhiễm virus từ một đến ba tháng. Khoảng một nửa số người nhiễm HIV sẽ phát triển thành AIDS trong vòng 10 năm nếu không được điều trị bằng thuốc kháng virus. Thời gian chuyển thành AIDS của trẻ em nhiễm HIV ngắn hơn ở người lớn. Một người có thể lây lan HIV cho người khác từ rất sớm, khả năng cao nhất là những tháng đầu sau khi nhiễm HIV và người nhiễm HIV ở giai đoạn cuối.
Hiện không có vaccine để ngăn ngừa HIV, không có cách chữa trị hoàn toàn HIV/AIDS.
Để phòng ngừa lây nhiễm HIV do quan hệ đồng tính, bác sĩ khuyên mọi người nên tiêm vaccine HPV, sử dụng bao cao su từ đầu tới cuối. Nam giới nên sử dụng gel bôi trơn để tránh tổn thương, giảm lây nhiễm bệnh qua đường tình dục.T
Trường hợp nghi nhiễm HIV hoặc đã nhiễm HIV, cần phải khám, điều trị theo tư vấn của bác sĩ.
Theo VNExpress