Ươm mầm ước mơ khởi nghiệp cho thanh niên trong cộng đồng LGBT

AGO – Người đồng tính, song tính hoặc chuyển giới tại Việt Nam thường vấp phải rất nhiều sự kỳ thị từ xã hội, gia đình và nơi làm việc. Lớp tập huấn kỹ năng khởi sự kinh doanh cho gần 30 thanh niên trong cộng đồng LGBT trên địa bàn tỉnh An Giang do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh tổ chức phần nào giúp thanh niên trong cộng đồng LGBT tự tin khẳng định bản thân trong xã hội.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang Trương Thanh Thúy cho biết: “Tại TP. Châu Đốc, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh vừa tổ chức lớp tập huấn kỹ năng khởi sự kinh doanh cho gần 30 thanh niên trong cộng đồng LGBT trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động nằm trong Phi Dự án khởi sự kinh doanh do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp Tỉnh đoàn, từ sự tài trợ của Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam.

Cụ thể, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cùng với Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam phối hợp triển khai phi dự án “Kỹ năng thành công” thí điểm mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho thanh niên thiểu số về giới và tính dục (LGBT) tại tỉnh An Giang.

Mô hình hỗ trợ bao gồm các hoạt động hướng nghiệp, phát triển kỹ năng mềm, đào tạo nghề và hỗ trợ khởi sự kinh doanh nhằm mang đến cơ hội cho thanh niên LGBT tiếp cận các cơ hội việc làm trong nền kinh tế xanh, thúc đẩy bình đẳng giới và hòa nhập xã hội.

Sau khi tham gia lớp tập huấn, các bạn tiếp tục thuyết trình kế hoạch kinh doanh trong chương trình hỗ trợ thanh niên khởi sự kinh doanh do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh tổ chức. Đó là các dự án do thanh niên cộng đồng LGBT tại An Giang ươm mầm với khát khao tự tin khẳng định bản thân với các dự án kinh doanh, như: Tiệm bánh mì nhà nội, cho thuê trang phục biểu diễn, kẹo thốt nốt Chắc Cà Đao…

Chương trình giúp các bạn hình thành ý tưởng kinh doanh, hoàn chỉnh kế hoạch kinh doanh. Và sau chương trình, các ý tưởng kinh doanh khả thi, có thể tiếp cận các nguồn vốn không hoàn lại từ phi dự án kỹ năng thành công, nguồn vốn từ 10 đến 30 triệu đồng tùy theo quy mô, mô hình khởi nghiệp do các bạn học viên triển khai” – chị Trương Thanh Thúy cho biết.

Phấn khởi tham gia chương trình với ý tưởng kinh doanh “THATSON HERB – Thương hiệu dược liệu hỗ trợ điều trị da liễu”, bạn Nguyễn Hoàng Thái (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết, đây là hoạt động rất ý nghĩa với thanh niên thuộc cộng đồng LGBT.

Nói về ý tưởng của mình, Hoàng Thái chia sẻ: “Bản thân từng mắc bệnh da liễu và thấu hiểu sự khó chịu khi bị bệnh ngoài da cũng như mong muốn có một sản phẩm hiệu quả, tự nhiên, lành tính. Vùng Thất Sơn từ lâu nổi tiếng với các câu chuyện huyền bí, các loại “thuốc núi” nhưng bị khai thác tận thu dẫn đến cạn kiệt.

Vậy nên, chúng ta có thể phục hồi bảo tồn dược liệu Thất Sơn gắn với phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), phát huy tài nguyên bản địa của An Giang. Được thầy của mình là lương y Nguyễn Công Đức cùng những người bạn hỗ trợ, em đã dần phát triển ý tưởng của mình”.

Hiện, Hoàng Thái thuê các nhà máy mỹ phẩm gia công để giảm chi phí đầu tư ban đầu với sản phẩm mang tên Trilax mang thành phần tinh chất lá muồng (dược liệu từng có rất nhiều ở vùng Thất Sơn chuyên hỗ trợ điều trị hắc lào).

Hoàng Thái đang hoàn tất công đoạn xin giấy phép và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm vào cuối tháng 8 năm nay. Trước mắt, sản phẩm sẽ được giới thiệu ở các nhà thuốc tây và phân phối qua các kênh bán hàng trên mạng xã hội.

“Chương trình đã giúp chúng tôi – thanh niên trong cộng đồng LGBT hiểu rõ thế nào là kinh doanh, lợi ích và rủi ro từ kinh doanh, cách nhận diện các cơ hội kinh doanh và lựa chọn ý tưởng kinh doanh hay những đặc điểm và điều kiện cần thiết của một doanh nhân cũng như kế hoạch tự nâng cao năng lực bản thân.

Hy vọng những giá trị mang lại khi tham gia dự án sẽ tiếp tục được lan tỏa, để ngày càng nhiều hơn những người dám khát vọng, dám khởi nghiệp trong cộng đồng LGBT được thể hiện mình, được tôn trọng hơn và đạt được những thành công nhất định” – bạn Trần Văn Nghĩa tham gia với ý tưởng khởi nghiệp mang tên “Makeup store” bộc bạch.

“Lần này tuy ít dự án, nhưng có nhiều dự án có khả thi triển khai, phát huy được tài nguyên bản địa, tạo được nhiều việc làm cho người trong cộng đồng LGBT. Có những dự án mang tính xã hội rất cao, góp phần gây quỹ hỗ trợ cộng đồng.

Qua hoạt động, chúng tôi mong muốn hỗ trợ tốt hơn cho thanh niên thuộc cộng đồng LGBT phát triển ý tưởng khởi sự kinh doanh và xây dựng kế hoạch kinh doanh để khởi nghiệp, qua đó đánh giá, lựa chọn các dự án có tính khả thi, thực tế, hỗ trợ thực hiện các sáng kiến khởi nghiệp…” – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang Trương Thanh Thúy nhấn mạnh.

Theo Báo An Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top