WHO: Chưa có bằng chứng nCoV suy yếu

Các chuyên gia từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều nhà khoa học khác cho biết không thể khẳng định nCoV suy yếu trong quá trình lây lan toàn cầu.

Tuyên bố được đưa ra ngày 1/6, sau khi giáo sư Alberto Zangrillo, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực tại Bệnh viện San Raffaele, thành phố Lombardy, Italy, khẳng định nCoV “không còn tồn tại về mặt lâm sàng”. Trước đó, Massimo Clementi, một đồng nghiệp khác của ông, đã thực hiện nghiên cứu ủng hộ ý kiến này, kết quả dự kiến công bố trong tuần tới.

Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học của WHO, cũng như một số chuyên gia virus và các bệnh truyền nhiễm khác, cho rằng đây là lập luận không có căn cứ khoa học. Hiện chưa dữ liệu nào cho thấy nCoV đang thay đổi, ở cả dạng lây truyền và mức độ nghiêm trọng đối với bệnh nhân.

Trên thực tế, nCoV có thể biến chủng để thích nghi khi lây lan ở các khu vực khác nhau. Tuy nhiên, Martin Hibberd, giáo sư về bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Lonson, cho biết điều này không đồng nghĩa độc lực của nCoV suy yếu. Luận điểm đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu lớn.

“Với dữ liệu từ hơn 35.000 bộ gene nCoV, hiện chưa có bằng chứng cho thấy độ nghiêm trọng của mầm bệnh đã giảm”, ông nhận định.

Tiến sĩ Oscar MacLean, Trung tâm Nghiên cứu Virus, Đại học Glasgow, cũng đồng tình với nhận định này. Ông cho rằng giả thuyết là bất khả thi về mặt di truyền.

Theo các chuyên gia y tế Đại học Johns Hopkins, Trung tâm y tế Wake Forest Baptist, Đại học George Washington và Northwell Health, nCoV không thay đổi nhiều kể từ đầu dịch. Trước đó, nhiều nhà khoa học cho biết nCoV là một mầm bệnh khái ổn định, quá trình biến chủng có xảy ra nhưng tương đối chậm.

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông quốc tế, Leana Wen, giáo sư y tế công cộng, Đại học George Washington, nói: “Phát ngôn của bác sĩ người Italy (Zangrillo) rất nguy hiểm. Nó là lời trấn an sai lệch, không dựa trên các bằng chứng khoa học”. Ông cũng cảnh báo Covid-19 là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, khuyến cáo công chúng cảnh giác hơn bao giờ hết.

Hiện nCoV đã lây lan tới 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến hơn 6 triệu người nhiễm và khoảng 377.000 bệnh nhân tử vong. Một số khu vực đã tạm thời khống chế được dịch bệnh, việc đồng loạt nới lệnh giãn cách xã hội khiến các chuyên gia lo ngại về “làn sóng” bùng phát thứ hai. Trong khi đó, các cuộc biểu tình ở Mỹ không khiến tình hình khả quan hơn.

Theo Vnexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top