SKĐS – Thực tế ở TPHCM cho thấy, gia tăng tình trạng lây nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), không chỉ ở đối tượng người lớn mà còn có cả ở những đối tượng là trẻ vị thành niên.
Gia tăng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM)
Theo báo cáo giám sát trọng điểm HIV/STDs (bệnh lây truyền qua đường tình dục) ở TPHCM, từ năm 2010-2022, tỉ lệ nhiễm HIV (có H) có chiều hướng giảm và duy trì ở mức thấp trong nhóm nghiện chích ma túy và phụ nữ mại dâm. Tuy nhiên, tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) có xu hướng tăng từ năm 2010 và chưa thấy có chiều hướng giảm trong những năm gần đây. Đáng chú ý, tỉ lệ này tăng lên 16% năm 2010, 11,4% năm 2015 và 12,3% năm 2022.
BS.CKII Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM cho biết, chương trình chăm sóc điều trị HIV đến nay đã được 25 năm. Điều trăn trở nhất hiện nay là không những gia tăng tỉ lệ nam quan hệ tính dục đồng giới nhiễm HIV ở người lớn mà còn ở những đứa trẻ vị thành niên.
“Có những đứa trẻ ngay từ tuổi học đường cấp 2, vừa 13, 14 tuổi đã bị nhiễm HIV và quan hệ tình dục không những với bạn cùng khối mà cả những anh lớn hơn, ở lớp 11, 12, sinh viên đại học. Thậm chí có trẻ còn được giới thiệu ra bên ngoài làm các dịch vụ khác. Đó là điều tôi rất lo lắng cho giới trẻ ngày nay”, bác sĩ Quy chia sẻ.
Hơn 1 năm nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 phối hợp với Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và nhiều cơ sở khác, thực hiện các chương trình tập huấn, giáo dục cho trẻ về tình dục an toàn và bảo vệ sức khỏe. Mục đích nhằm phát hiện sớm những ca quan hệ tình dục đồng giới ở trẻ vị thành niên. Từ đó, đưa vào dự phòng, điều trị sớm HIV, ngăn chặn được những nhiễm trùng cơ hội, cho trẻ đáp ứng tốt hơn với điều trị, hồi phục tốt hơn, sớm hòa nhập cuộc sống.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy nhận định, MSM thường có tâm lý e ngại, khó tiếp cận, bởi vì hiện nay tâm lý cộng đồng còn xa lánh, kỳ thị. Để tiếp cận ngoài cộng đồng chủ yếu nhờ vào các nhóm đồng đẳng viên phối hợp cùng ngành y tế. Còn ở trường học, có những giải pháp giáo dục linh hoạt, sinh động để vừa giảm kỳ thị đối với nhóm MSM, vừa giúp trẻ vị thành niên ý thức được các biện pháp an toàn:
“Mình phải đưa một trường hợp cụ thể, để các em học sinh hiểu được để giáo dục các em. Ví dụ như có trường hợp học sinh 14 tuổi, quan hệ tình dục đồng giới không được bảo vệ và đã bị nhiễm HIV/AIDS, trong khi đó, cũng có trường hợp tình yêu đồng giới khác nhưng vẫn được bảo vệ bằng thuốc và đã không nhiễm. Chúng ta phải đánh thức các em để các em biết bảo vệ sức khỏe của mình trong mối quan hệ MSM”.
Cũng theo bác sĩ Quy, với nhóm trẻ MSM không những có nguy cơ về lây truyền HIV mà còn lây truyền các bệnh lý về tình dục khác như giang mai, bệnh lậu hay bệnh sùi mào gà, gần đây còn một bệnh nữa là đậu mùa khỉ.
“Là bác sĩ điều trị, tôi luôn luôn nghĩ rằng mình phải giúp cho các em có cái nhìn đúng đắn để các em hiểu rằng trên thế giới và những nước xung quanh, người ta không kỳ thị MSM hay là những đứa trẻ vị thành niên MSM bị nhiễm HIV. Có nghĩa là những đứa trẻ đó được có quyền sống và được có quyền làm việc để phát triển.
Ngoài giáo dục trẻ về sức khỏe giới tính, chúng ta phải giúp trẻ yêu thích việc học và một công việc nào đó thì trẻ MSM mới tiếp tục làm việc tiếp và sống tốt. Nên giáo dục hướng nghiệp cho trẻ, ví dụ những trẻ nào còn đi học thì khuyến khích phải đi học tiếp, còn trẻ nào không còn đi học nữa thì khuyến khích học nghề. Theo đó, tư vấn cho trẻ những nghề cụ thể, đầu tiên là thuộc về sở thích của trẻ”, bác sĩ Dư Tuấn Quy chia sẻ.
Xóa bỏ kỳ thị để chấm dứt HIV/AIDS
Ông Lê Minh Tân – Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Thành phố Thủ Đức, TPHCM) cho biết, tâm lý của trẻ có H thường e ngại, lo sợ bị kỳ thị, bị chê bai về tình hình sức khỏe, học tập, hoàn cảnh gia đình…
Do đó, sau khi đủ 18 tuổi, không còn được trung tâm nuôi dưỡng, các em ra ngoài cộng đồng rất khó hòa nhập. Thống kê của trung tâm cho thấy, khoảng 150 trẻ HIV trưởng thành thì số lượng tự chăm sóc bản thân hoặc tự nuôi sống mình là rất thấp, không quá 6 trường hợp.
Theo ông Tân, vấn đề kỳ thị của xã hội hiện nay đối với người có HIV đã giảm nhiều nhưng vẫn còn tồn tại. Vì vậy trung tâm cũng đặt ra vấn đề trang bị cho các em những kỹ năng đối diện với phản ứng của cộng đồng bằng cách tiếp cận một cách khoa học.
Trung tâm đổi mới bằng các chương trình đưa trẻ đi tham quan ở những nơi đông người như siêu thị, nơi vui chơi, thí điểm sử dụng điện thoại để kết nối, học tập, giúp các em chủ động hòa nhập. Đồng thời, duy trì các buổi sinh hoạt do một bác sĩ trực tiếp phụ trách và bộ phận tư vấn thực hiện để giải đáp, giảng dạy cho trẻ tuân thủ điều trị, biết cách bảo vệ người khác.
“Trẻ nhiễm HIV ở trung tâm cũng tham gia các hoạt động của xã hội một cách đầy đủ, nhưng hiện nay vẫn còn khoảng cách với những trẻ khác. Trong tương lai tiến bộ khoa học có thể kết thúc được HIV/AIDS. Tôi mong xã hội bớt kỳ thị các em, tạo một môi trường tốt cho các em hòa nhập, ít nhất là môi trường công việc”, ông Lê Minh Tân cho hay.
Theo ông Nguyễn Minh Thuận, Quản lý Phòng khám cộng đồng AloCare (tiền thân là nhóm cộng đồng Aloboy, ra đời và hoạt động vì cộng đồng người có HIV), trước đây, nhiều nhóm trong cộng đồng chưa thấy được giá trị của việc xét nghiệm sớm để phát hiện tình trạng nhiễm của mình. Tuy nhiên, hiện nay họ đã quan tâm nhiều về sức khỏe và đi đến các cơ sở y tế để làm xét nghiệm. Đó cũng là một trong những lý do tăng tỉ lệ phát hiện HIV.
Tại AloCare, sau khi xét nghiệm, nếu kết quả dương tính, họ sẽ được điều trị sớm. Nếu âm tính, AloCare cũng sẽ tư vấn họ tham gia chương trình như dự phòng về HIV, dự phòng trước phơi nhiễm và các biện pháp về an toàn tình dục.
Hiện phòng khám cũng đang từng bước có những hoạt động, nhằm tạo nguồn lực chủ động để duy trì các mô hình hiệu quả, sáng tạo cung cấp đến khách hàng của mình.
“Để hướng đến chiến lược chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, chúng tôi hy vọng là xóa bỏ được những rào cản kỳ thị, phân biệt đối xử với nhóm cộng đồng. Bản thân tôi mong rằng cộng đồng xã hội sẽ xem HIV vốn dĩ là một bệnh mãn tính, chỉ uống thuốc mỗi ngày một viên thì nó sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ một ai”, ông Nguyễn Minh Thuận chia sẻ.
Được biết, Việt Nam là một trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới, cùng với Anh, Đức và Thụy Sĩ với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Bộ Y tế đặt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Nhằm tiến tới đạt mục tiêu, ở TPHCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đang tăng cường triển khai các hình thức tiếp cận mới, đặc biệt chú trọng các can thiệp trên nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới nhằm phát hiện và đưa vào điều trị sớm người nhiễm HIV. Mở rộng cơ sở điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); kết nối điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho người có nguy cơ cao…