Chuyên gia chỉ rõ 3 hậu quả khi thanh thiếu niên mắc HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác

SKĐS – HIV là một trong những bệnh lây qua đường tình dục nguy hiểm nhất hiện nay. Theo CDC Hoa Kỳ, năm 2021 có 20% ca mắc HIV mới gặp ở lứa tuổi 13-24. Một nửa trong số 20 triệu ca mắc mới bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) thuộc lứa tuổi 15-24.

Chia sẻ bên lề Hội nghị Da liễu Toàn quốc thường niên năm 2023 và Hội nghị Nghiên cứu Da liễu Việt Nam lần thứ Nhất diễn ra ngày 24/11, TS.BS. Phạm Thị Minh Phương – Trưởng khoa Khám bệnh, Phụ trách Phòng khám STIs, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: Số liệu của WHO năm 2023 cho thấy, mỗi ngày có hơn 1 triệu ca mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, tập trung chủ yếu vào 8 bệnh chính trong đó có 4 bệnh có thể chữa khỏi (là Lậu, Chlamydia, Giang mai, trùng roi) và 4 bệnh hiện chưa chữa khỏi được chủ yếu liên quan đến virus (HBV, HSV, HPV và HIV).

Nhóm đối tượng hay gặp là các nhóm đối tượng nguy cơ cao như hành nghề mại dâm, quan hệ đồng giới hay những người có nhiều bạn tình.

– Thưa bác sĩ, trẻ vị thành niên mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong đó có HIV sẽ để lại những hậu họa gì? Bác sĩ có lời khuyên như thế nào để giúp trẻ phòng tránh được các bệnh nguy hiểm này?

TS.BS. Phạm Thị Minh Phương: Theo CDC Hoa Kỳ năm 2021 có 20% ca mắc HIV mới gặp ở lứa tuổi 13-24. Một nửa trong số 20 triệu ca mắc mới STIs thuộc lứa tuổi 15-24.

Khi mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khi ở độ tuổi thanh thiếu niên sẽ để lại những hậu quả vô cùng nặng nề:

Đầu tiên gây ra sự mặc cảm của bệnh nhân với xa hội, nếu như bị lộ thông tin có thể gây ra sự kì thị của xã hội với người bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý chưa được vững vàng của người bệnh ở lứa tuổi này.

Thứ 2, những người bệnh này thường thiếu kiến thức, đẫn tới khám phát hiện và điều trị muộn, trở thành nguồn lây cho cộng đồng.

Thứ 3, với bản thân người bệnh, khi mắc các bệnh STIs kéo dài không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ vô sinh cũng như các di chứng của bệnh.

Chính vì vậy, theo tôi cần tăng cường công tác giáo dục giới tính ngay từ khi trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường.

– Thực trạng các bệnh nhân STIs đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương hiện nay ra sao, bác sĩ có thể chia sẻ cụ thể hơn về tình trạng bệnh khi họ đến khám?

TS.BS. Phạm Thị Minh Phương: Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, với nhóm bệnh STIs, số lượng bệnh nhân nam gấp gần 2 lần so với nhóm bệnh nhân nữ. Độ tuổi trung bình là 29 tuổi. Đối tượng hay gặp nhất là những người làm nghề công nhân và dịch vụ.

Tỉ lệ người bệnh là học sinh thuộc lứa tuổi 12 – 18 là 4,2% và nhóm sinh viên từ 18 – 22 là 22,6% (chiếm khoảng ¼ số bệnh nhân đến khám mắc STIs).

Các bệnh nhân này chủ yếu đến viện vì các biểu hiện như là tiết dịch niệu đạo, âm đạo; xuất hiện nốt sùi hay vết trợt vùng sinh dục.

Một số là đi khám sức khỏe hoặc hiến máu làm xét nghiệm test nhanh sàng lọc thì phát hiện ra bệnh. Sau khi thăm khám thì các bệnh lý hay gặp nhất là sùi mào gà, lậu và giang mai hoặc có trường hợp đồng nhiễm cả HIV và giang mai…

 

Các bà mẹ mang thai không được sàng lọc những bệnh lây truyền qua đường tình dục như viêm gan B, giang mai, HIV… dẫn tới trẻ sinh ra bị nhiễm bệnh.

– Tình trạng trẻ nhỏ lây nhiễm bệnh STDs có hiếm gặp không? Ngoài bệnh lý lây từ mẹ sang con, có nhiều trẻ lây bệnh qua sinh hoạt chung hàng ngày?

TS.BS. Phạm Thị Minh Phương: Việc trẻ nhỏ lây nhiễm STIs nhìn chung không phải là phổ biến do công tác sàng lọc trước sinh hiện nay được thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn gặp những trường hợp các bà mẹ mang thai không được sàng lọc những bệnh lây truyền qua đường tình dục như viêm gan B, giang mai, HIV… dẫn tới trẻ sinh ra bị nhiễm bệnh.

Việc lây qua sinh hoạt chung hàng ngày có thể gặp nhưng rất hiếm, chỉ gặp ở các trường hợp chính bản thân bệnh nhân không phát hiện ra bệnh và để trẻ tiếp xúc trực tiếp tổn thương, hay là khi vừa vệ sinh cho mình rồi lại vệ sinh cho trẻ.

– Vậy có cách nào giúp phòng tránh HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác thưa bác sĩ?

TS.BS. Phạm Thị Minh Phương: HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu bạn có ý thức bảo vệ chính mình và có những kiến thức cơ bản về sức khỏe tình dục. Dưới đây là những lưu ý giúp bạn phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục:

  • Chung thủy, một vợ một chồng. Không quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều người đặc biệt là với gái mại dâm.
  • Sử dụng bao cao su cho mỗi lần quan hệ tình dục.
  • Vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ trước và sau mỗi lần quan hệ.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.
  • Không sử dụng ma túy
  • Hạn chế đồ uống có nồng độ cồn.

Riêng với bệnh HIV, dựa vào đường lây nhiễm HIV (tình dục, đường máu, lây từ mẹ sang con) có một số biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV như sau:

1. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường tình dục

  • Sống lành mạnh, chung thủy một vợ một chồng và cả hai người đều chưa bị nhiễm HIV. Không quan hệ tình dục bừa bãi.
  • Trong trường hợp quan hệ tình dục với một đối tượng chưa rõ có bị nhiễm HIV không, cần phải thực hiện tình dục an toàn để bảo vệ cho bản thân bằng cách sử dụng bao cao su đúng cách.
  • Phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vì những tổn thương do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục sẽ là cửa vào lý tưởng cho HIV.

2. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường máu

  • Không tiêm chích ma túy.
  • Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, và chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.
  • Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng. Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu…
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV
  • Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay,…

3. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con

  • Người phụ nữ bị nhiễm HIV thì không nên có thai vì tỷ lệ lây truyền HIV sang con là 30%, nếu đã có thai thì không nên sinh con.
  • Trường hợp muốn sinh con, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng lây nhiễm HIV cho con.
  • Sau khi đẻ nếu có điều kiện thì nên cho trẻ dùng sữa bò thay thế sữa mẹ.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top