Giải pháp duy trì điều trị ARV bền vững và bảo đảm bền vững

(Chinhphu.vn) – Với phương châm “lấy người bệnh là trung tâm”, công tác điều trị HIV được ngành y tế định hướng theo hướng cung cấp gói dịch vụ toàn diện về điều trị HIV/AIDS.

Cung cấp gói dịch vụ toàn diện về điều trị HIV/AIDS

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, công tác điều trị HIV đang được định hướng theo hướng cung cấp gói dịch vụ toàn diện về điều trị HIV/AIDS. Cụ thể, kết nối điều trị thuốc ARV sớm cho người mới phát hiện nhiễm HIV, giúp họ đạt ức chế virus và phục hồi miễn dịch sớm, giảm nguy cơ tử vong và hạn chế lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Bên cạnh đó, cung cấp đầy đủ các dịch vụ khám chữa bệnh cho người bệnh HIV qua BHYT bao gồm xét nghiệm CD4, xét nghiệm TLHIV, cấp thuốc ARV 90 ngày sử dụng.

Người bệnh cũng được điều trị các nhiễm trùng cơ hội nặng ở người nhiễm HIV giúp họ sớm phục hồi miễn dịch và giảm tỷ lệ tử vong do AIDS; Quản lý, điều trị lao tiềm ẩn, các bệnh đồng nhiễm trên người bệnh HIV: Lao, viêm gan B, C các bệnh lây qua đường tình dục; Tăng cương công tác điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thông qua thực hiện xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai nhằm phát hiện sớm phụ nữ mang thai nhiễm HIV đưa họ vào điều trị HIV và quản điều trị dự phòng cho trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm HIV.

Ngành y tế cũng sẽ quản lý, chăm sóc vị thành niên nhiễm HIV về tư vấn bộc lộ, tuân thủ điều trị, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn bao gồm sức khỏe tâm thần cho nhóm tuổi này.

Mở rộng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV cho mọi đối tượng bị phơi nhiễm với HIV và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV.

Thực hiện sàng lọc, quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm ngay tại cơ sở điều trị HIV, tập trung vào các bệnh tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường. Từng bước triển khai sàng lọc các rối loạn sức khỏe tâm thần (lo âu, trầm cảm), sàng lọc ung thư cổ tử cung ở nữ giới nhiễm HIV phát hiện sớm chuyển đến cơ sở điều trị chuyên khoa.

Duy trì điều trị ARV bền vững và bảo đảm bền vững

Chia sẻ về những giải pháp để duy trì điều trị ARV bền vững và bảo đảm bền vững, PGS.TS. Phan Thị Thu Hương cho biết, ngành y tế đẩy mạnh việc thực hiện mô hình Kết nối Tìm ca – Xét nghiệm HIV – Cơ sở điều trị HIV (CSĐT HIV): Huy động sự tham gia của các nhóm cộng đồng, mở rộng cơ sở xét nghiệm HIV và Cơ sở điều trị HIV tại tuyến y tế cơ sở đủ điều kiện cung cấp dịch vụ điều trị HIV qua BHYT bao gồm cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.

Bảo đảm nguồn thuốc ARV nguồn BHYT và tăng tỉ lệ người bệnh có thẻ BHYT giúp họ tiếp cận được dịch vụ khám chữa bệnh HIV từ Quỹ BHYT

Hướng dẫn các tỉnh, thành phố chủ động cung cấp dịch vụ xét nghiệm CD4, tải lượng HIV tại tỉnh, cơ sở điều trị chủ động ký hợp đồng với đơn vị cung cấp được các xét nghiệm trên qua BHYT

Nâng cao năng lực cho nhân viên y tế về điều trị lao tiềm ẩn, các bệnh đồng nhiễm, các bệnh không lây nhiễm giúp cơ sở điều trị cung cấp được các dịch vụ khám chữa bệnh khác ngay tại cơ sở điều trị HIV.

Đồng thời, mở rộng điều trị PrEP bao gồm cả các tỉnh không có dự án hỗ trợ cho nhóm đối tương nguy cơ cao.

Định hướng triển khai dự phòng và điều trị viêm gan C, B trên nhóm KP

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương cho biết, bệnh viêm gan vi rus B, C là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe do các biến chứng của viêm gan virus. Việt Nam là một trong những nước có gánh nặng bệnh tật cao liên quan đến viêm gan virus trên toàn cầu và đứng thứ năm trong số 10 quốc gia có tỷ lệ bị ung thư gan cao nhất thế giới.

Theo kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do vi rút viêm gan B và C được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện năm 2017, ước tính có khoảng 7,8 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính và khoảng gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C mãn tính. Đây là nguyên nhân dẫn đến khoảng 80.000 trường hợp xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan và khoảng 40.000 trường hợp tử vong hàng năm và có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Để ngăn chặn và giảm thiểu tác hại viêm gan C và B trên nhóm nguy cơ cao trong thời gian tới, Cục Phòng chống HIV/AIDS sẽ hướng tới các mục tiêu và hoạt động sau: Đến hết năm 2026: Điều trị viêm gan C cho ít nhất 60% người nhiễm HIV và người điều trị methadone đồng nhiễm viêm gan virus C; Lồng ghép điều trị viêm gan vi rút C tại tất cả các cơ sở y tế các tuyến đang điều trị HIV/AIDS.

Các hoạt động sẽ được triển khai bao gồm: Triển khai các hoạt động truyền thông, đồng thuận triển khai chương trình; Xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông tạo cầu về bệnh viêm gan virus C, B; Xây dựng và ban hành quy trình lồng ghép sàng lọc, chẩn đoán điều trị viêm gan vi rút C, B vào quy trình khám chữa bệnh HIV, điều trị methadone, điều trị PrEP; Hệ thống (mapping) các cơ sở y tế/phòng xét nghiệm cung cấp xét nghiệm tải lượng vi rút viêm gan C và/hoặc được Quỹ BHYT chi trả. Đồng thời, xây dựng kế hoạch điều trị viêm gan virus C tại các tỉnh/thành phố: bao gồm tập huấn, cung cấp dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật, theo dõi giám sát và tổng kết báo cáo.

Theo Cổng thông tin điện tử chính phủ Tiếng Chuông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top