‘Kết thúc dịch AIDS năm 2030 là thách thức với TP HCM’

VNExpress – Số người nhiễm HIV mới, số chuyển sang AIDS và tử vong hàng năm tại TP HCM liên tục giảm, song tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức chia sẻ tại lễ mít tinh phòng chống HIV/AIDS, ngày 3/12, thêm rằng trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm, việc giữ vững thành quả phòng chống dịch đã đạt được, hướng tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 là một thách thức.

TP HCM là một trong 7 tỉnh thành được Cục Phòng chống HIV/AIDS và các tổ chức quốc tế hỗ trợ hoàn thành Mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đến nay, mục tiêu 95% tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng của mình, thành phố đạt được 93%. Mục tiêu thứ hai là 95% tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm được điều trị thuốc kháng virus HIV, thành phố đạt được 92,4%. Ở mục tiêu 95% tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng virus HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, thành phố đạt được 98,4%.

Ca nhiễm HIV đầu tiên Việt Nam được phát hiện tại TP HCM vào cuối năm 1990. Đến nay, thành phố quản lý hơn 51.500 người nhiễm HIV, trong đó hơn 47.600 người đang được điều trị thuốc kháng virus (ARV).

Bà Đào Thị My Thư, Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết trên địa bàn quận, độ tuổi nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Trong khi đó, kiến thức chung về HIV/AIDS và việc thực hiện hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư vẫn chưa đạt yêu cầu. Đây chính là những nguy cơ tiềm tàng có thể gây bùng nổ dịch trở lại nếu lơ là, chủ quan.

Theo ông Đức, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, thành phố tiếp tục đầu tư ngân sách cho hoạt các động phòng chống HIV/AIDS. Ngành y tế cần tăng cường hơn nữa sự tham gia của cả hệ thống y tế bao gồm công lập và tư nhân trong việc mở rộng điều trị ARV để đảm bảo bệnh nhân được điều trị liên tục.

Dịch AIDS đã cướp đi hàng triệu sinh mạng trên toàn cầu. Vào thời kỳ đầu bùng nổ, đại dịch này đã gây hoảng loạn và cả sự phân hóa sâu sắc trong xã hội ở nhiều quốc gia. Những năm qua, với nhiều biện pháp phòng chống, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do AIDS so với 10 năm trước đây. Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm.

Người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị thì thông thường sau 6 tháng tải lượng virus xuống dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu). Khi đó, người này sẽ không lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, làm giảm lây truyền từ mẹ sang con. Nhờ đó, nhiều người nhiễm HIV vẫn lấy vợ, sinh con khỏe mạnh.

Bộ Y tế khuyến cáo những người chưa nhiễm HIV thuộc các nhóm nguy cơ cao như nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người bán dâm, người tiêm chích ma túy… dùng dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) bằng cách uống mỗi ngày một viên thuốc để ngừa bệnh.

Dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) sử dụng khi phơi nhiễm với HIV trong 72 giờ, thường được áp dụng trong tình huống “tai nạn” như không sử dụng biện pháp an toàn, rách hay tuột bao cao su…

Theo VNExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top