Mắc xơ gan có chữa khỏi được không?

SKĐS – Xơ gan có thể gây ra các tổn thương gan không thể phục hồi, làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư gan, đe dọa tính mạng người bệnh. Ghi nhận cho thấy tỷ lệ người mắc các bệnh về gan nói chung và xơ gan nói riêng đang có xu hướng tăng nhanh.

Điều này liên quan mật thiết đến các vấn đề như lạm dụng rượu bia, thực phẩm bẩn, sử dụng thuốc tùy tiện… Vậy, khi mắc xơ gan có chữa khỏi được không?

Nguyên nhân khiến gan bị tổn thương dẫn đến xơ gan

Xơ gan là giai đoạn cuối của các bệnh về gan mật mạn tính. Có nhiều nguyên nhân khiến gan bị tổn thương dẫn đến xơ gan, trong đó gồm các nguyên nhân điển hình như sau:

– Do viêm gan virus: Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh xơ gan, nhất là viêm gan virus B. Theo thống kê có khoảng 20% số người nhiễm viêm gan virus có khả năng biến chứng thành xơ gan.

– Do rượu: Đây là nguyên nhân gây xơ gan chỉ đứng thứ 2 sau viêm gan virus. Theo thống kê cho thấy có khoảng 71,7% nam giới Việt Nam bị xơ gan do uống nhiều rượu bia.

– Do gan nhiễm mỡ: Gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ tích tụ nhiều trong gan gây nên viêm gan và tạo thành các mô sẹo khiến gan bị xơ hóa.

– Do ứ mật: Mật bị ứ đọng do viêm, tắc đường mật (cả đường mật trong gan và ngoài gan). Mật sẽ tác động làm ảnh hưởng, tổn thương tế bào gan dần dần dẫn đến xơ gan.

– Do nhiễm độc: Gan có thể bị xơ nếu thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất như phosphor, tetraclorocarbon… và các loại thuốc như: isoniazid, rifamid, methotrexate, phenylbutazon…

Chữa xơ gan thế nào?

Xơ gan là một căn bệnh mạn tính của gan ngày càng phổ biến hiện nay, tùy theo mức độ tiến triển của bệnh và tùy thuộc vào nguyên nhân chính sẽ được các bác sĩ chỉ định phù hợp. Trên thực tế cho thấy bệnh xơ gan có chữa khỏi được không còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân đang xơ gan ở giai đoạn nào.

Nếu bệnh ở giai đoạn 1: Giai đoạn còn bù. Là thời điểm các tế bào gan bị tổn thương ở mức độ nhẹ, số lượng tế bào gan khỏe mạnh có thể bù trừ được với các tế bào gan bị tổn thương. Ở giai đoạn này, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh xơ gan có thể chữa được.

Một số triệu chứng ở giai đoạn này là: Người bệnh chán ăn, ăn không tiêu, cảm giác đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, cơ thể suy nhược, uể oải, có thể sốt nhẹ về chiều tối, sụt cân, nước tiểu có màu vàng sẫm, vùng da ở lòng bàn tay, bàn chân hơi vàng, móng tay, móng chân vàng hơn.

Hầu hết các biểu hiện của bệnh xơ gan giai đoạn còn bù không rõ ràng, do đó để có thể phát hiện kịp thời chúng ta cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện ra bệnh (nếu có).

Nếu bệnh ở giai đoạn 2 khi gan đã bị tổn thương nhiều hơn xơ gan giai đoạn còn bù. Các mô sẹo xuất hiện nhiều hơn và dần dần chiếm chỗ của các tế bào gan khỏe mạnh. Lúc này các chức năng gan cũng suy yếu hơn, khả năng đào thải chất độc của gan kém hơn, các chất độc dồn ứ tại gan, gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, làm rối loạn quá trình trao đổi chất.

Bệnh xơ gan vẫn có thể hồi phục nếu được phát hiện sớm và người bệnh tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Các triệu chứng xơ gan giai đoạn 2 cũng tương tự như ở xơ gan giai đoạn còn bù, tuy nhiên sẽ biểu hiện rõ ràng hơn. Khi phát hiện cơ thể xuất hiện những dấu hiệu trên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và tiến hành điều trị.

Bên cạnh đó, người bệnh cần xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh. Không sử dụng rượu bia, thuốc lá,… Duy trì những thói quen tốt như vận động, thể dục thể thao, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và khoa học để việc điều trị xơ gan giai đoạn 2 đạt hiệu quả.

Việc phát hiện và chữa trị xơ gan giai đoạn 2 đặc biệt quan trọng nhằm ngăn cản bệnh phát triển sang giai đoạn nguy hiểm hơn. Ở giai đoạn này, việc chữa trị sẽ khó khăn hơn so với xơ gan giai đoạn còn bù. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể hồi phục nếu được phát hiện sớm và người bệnh tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Nếu bệnh ở giai đoạn khi tế bào của gan đã bị tổn thương nghiêm trọng, các tế bào gan khỏe mạnh dần bị thay thế bởi các mô sẹo làm các chức năng gan bị suy giảm. Giai đoạn này diễn biến của bệnh khá nghiêm trọng, triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn như vàng da toàn thân, xơ gan cổ trướng.

Giai đoạn này việc điều trị rất khó khăn, khả năng khỏi bệnh hoàn toàn là rất ít, trừ trường hợp người bệnh tìm được lá gan phù hợp để tiến hành ghép gan, còn lại đa số người bệnh thường chỉ sống được từ 3-5 năm phụ thuộc vào chất lượng điều trị.

Nếu bệnh sang giai đoạn 4 các tế bào gan đã bị tổn thương hoàn toàn, chức năng gan đã bị tê liệt, bệnh đã ở giai đoạn cuối và ngày càng diễn biến theo hướng xấu. Ở giai đoạn này, khả năng chữa khỏi bệnh là không còn, việc chữa trị chỉ là hạn chế sự phát triển của bệnh nhằm duy trì sự sống cho người bệnh

Theo Sức khỏe & Đời sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top