Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV

SKĐS – Tập thể dục không chỉ giúp người nhiễm HIV nâng cao sức khỏe mà còn giúp kiểm soát một số tác dụng phụ lâu dài của thuốc điều trị HIV.

1. Tập thể dục tốt cho người nhiễm HIV như thế nào?

Tập thể dục thường xuyên là một phần của lối sống lành mạnh và rất quan trọng với người nhiễm HIV. Các loại bài tập khác nhau sẽ phù hợp tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của một cá nhân trong quá trình điều trị HIV.

Tập thể dục còn giúp đóng vai trò kiểm soát một số tác dụng phụ lâu dài của thuốc, chẳng hạn như thay đổi thành phần cơ thể và tăng cholesterol, chất béo trung tính và đường huyết…

Lợi ích của tập thể dục với người nhiễm HIV:

  • Duy trì hoặc xây dựng khối lượng cơ bắp, giảm mỡ, giúp duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
  • Giảm mức cholesterol và chất béo trung tính (ít nguy cơ mắc bệnh tim).
  • Tăng năng lượng.
  • Điều hòa chức năng ruột.
  • Tăng cường xương (ít nguy cơ loãng xương).
  • Cải thiện lưu thông máu.
  • Tăng dung tích phổi.
  • Giúp ngủ ngon.
  • Giảm căng thẳng và có thể cải thiện chứng trầm cảm.
  • Cải thiện sự thèm ăn.
  • Giảm nguy cơ cao huyết áp, tiểu đường và một số loại ung thư…

Hoạt động thể chất giúp bạn giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường loại 2 và một số loại ung thư… Đây là các tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến những người nhiễm HIV.

2. Các bài tập tốt cho người nhiễm HIV

Tập thể dục đều đặn và phù hợp là điều quan trọng, bất kể tình trạng nhiễm HIV của bạn như thế nào. Dưới đây là một số hình thức tập luyện người nhiễm HIV có thể tham khảo:

– Đi bộ, chạy bộ: Đây là những hình thức tập luyện đơn giản, nhưng lại rất có lợi cho sức khỏe người nhiễm HIV. Hãy biến nó thành một thói quen hàng ngày, có thể đi bộ cùng gia đình, đi dạo sau giờ làm việc hoặc đi bộ nhóm…

– Khiêu vũ: Khiêu vũ không chỉ mang lại sức khỏe, niềm vui mà còn góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Những người thường xuyên khiêu vũ, cơ thể được vận động, máu huyết lưu thông là nền tảng để duy trì một cơ thể khoẻ mạnh, phòng chống được nhiều loại bệnh tật như tiểu đường, bệnh xơ vữa động mạch, tăng huyết áp…

– Đi xe đạp: Đi xe đạp là một cách thú vị để giảm bớt những căng thẳng trong ngày.

– Đi bơi: Bơi lội được coi là một bài tập rèn luyện sức đề kháng nên rất tốt cho tim và phổi.

– Tập tạ và bài tập tim mạch: Giúp tăng khối lượng cơ nạc và cải thiện mật độ xương. Giảm khối lượng cơ thể và mật độ xương là những tác dụng phụ thường gặp khi sống chung với HIV. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về hình thức và cách thức tập luyện…

3. Lưu ý khi tập luyện ở người nhiễm HIV

– Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục nào, hãy trao đổi với bác sĩ để xác định xem có bất kỳ hạn chế nào đối với hoạt động của bạn hay không và lựa chọn bài tập, hình thức, cường độ tập phù hợp.

– Khi bạn cảm thấy không khỏe, không nên tập thể dục. Cần phân biệt giữa tình trạng khó chịu nói chung (thường là cảm thấy không khỏe về thể chất hoặc tinh thần) và tình trạng mệt mỏi hoặc bệnh tật nghiêm trọng. Hãy lắng nghe cơ thể và nếu trong quá trình tập thể dục thấy mệt mỏi cũng nên ngừng tập.

– Hãy đặt mục tiêu tập thể dục 20-30 phút, ít nhất 3 lần một tuần khi bạn mới bắt đầu. Sau đó dần dần tăng lên 45 phút, ít nhất 3-4 lần một tuần, trong vài tháng. Đặt cho mình một số mục tiêu nhỏ để đạt được trong một khoảng thời gian có thể mang lại động lực và duy trì tập luyện tốt hơn.

Khuyến cáo người lớn cần ít nhất 150 đến 300 phút mỗi tuần cho hoạt động aerobic cường độ vừa phải, như đạp xe, đi bộ nhanh… Người lớn cũng cần hoạt động tăng cường cơ bắp, như nâng tạ hoặc chống đẩy, ít nhất 2 ngày mỗi tuần.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top